Kịch bản chính sách tiền tệ năm 2012: Thắt chặt hay linh hoạt?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sáng nay (9/12), hội thảo “Kịch bản kinh tế năm 2012: Đâu là cơ hội” được TBKTVN tổ chức đã diễn ra tại Tp.HCM.

Vấn đề được các doanh nghiệp rất quan tâm đó là chính sách tiền tệ năm 2012 và rộng hơn đó là tình hình kinh tế vĩ mô năm 2012 sẽ diễn biến như thế nào? Tuy nhiên, câu trả lời vẫn đang được các chuyên gia kinh tế bỏ ngỏ.

Ông Trương Đình Tuyển – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia – nhận xét trong năm 2012 nhà nước sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt và chính sách tài khóa thắt chặt để kiềm chế lạm phát. Ông Tuyển nhấn mạnh từ “thắt chặt” với các doanh nghiệp tham dự hội thảo. Ông cũng chỉ ra thách thức của năm 2012 là giảm đầu tư và hậu quả của lạm phát 2011 sẽ gây sức ép lên doanh nghiệp. Ông nói: “Cắt giảm đầu tư  sẽ dẫn đến giảm tăng trưởng vào đầu năm sau”.

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cũng đồng tình với quan điểm điểm này khi không đồng tình với ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng thương mại để hạ thấp lãi suất cho vay.

“Ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh. Ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế quốc hội cũng khẳng định quan điểm điều hành của chính phủ phải đảm bảo lạm phát năm 2012 dưới một con số. Ông nói mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2012 là chống lạm phát bằng những biện pháp giảm tổng cầu, thông qua chính sách tiền tệ chặt chẽ và thắt chặt chi tiêu công, giảm mức đầu tư toàn xã hội.

Còn ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trình bày quan điểm khác hơn về chính sách tiền tệ khi dự báo năm 2012 chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt hơn trong khi đó chính sách tài khóa tiếp tục thắt chặt.

Mặc dù xem ổn định vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhưng ông Trương Đình Tuyển cũng cho rằng tăng trưởng vẫn phải được coi trọng, do giảm đầu tư dễ dẫn đến suy giảm tăng trưởng.

Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng, các chuyên gia kinh tế tham dự hội thảo thường niên cuối năm đánh giá về nền kinh tế năm 2011 và triển vọng 2012 đều có chung một nhận định: “Nếu không dịch chuyển vốn đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân và những lĩnh vực ngành nghề có tác động lan tỏa cao sẽ rất khó đảm bảo mức tăng trưởng GDP 6%”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá cao vai trò của khu vực tư nhân khi cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đóng góp to lớn cho kinh tế và xã hội. Ông dẫn chứng: “Khu vực kinh tế ngoài nhà nước chỉ sử dụng 27% vốn đầu tư nhưng tạo ra 88,1% việc làm mới so với khu vực nhà nước sử dụng 44,6% vốn đầu tư nhưng chỉ tạo ra 22% việc làm mới”.

Ông cũng nói thêm doanh nghiệp ngoài quốc doanh là nạn nhân chính của lãi suất cao và chính sách kiểm soát tín dụng. Đầu ra cũng gặp khó khăn, tiêu dùng dân cư giảm mạnh, hàng hóa, dịch vụ không tiêu thụ được. Thị trường bất động sản đình trệ và suy giảm tác động mạnh đến các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho thị trường này.

Ông Doanh cho biết khoảng ½ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ngừng hoạt động, tác động mạnh đến việc làm và thu nhập người lao động.

Ông Tuyển nói thách thức cho các doanh nghiệp trong năm 2012 là sức ép giảm giá VND vẫn còn lớn,  thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản chưa có khả năng phục hồi nhanh sẽ tác động đến các ngành sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành liên quan.

Duy Linh
Nguồn:  Báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu