Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam 2009?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều ý kiến tranh luận đã được đưa ra tại hội thảo “Tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới – chính sách ứng phó tại Việt Nam” diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/4 tại Hải Dương do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức.

“Gia cát dự” lên tiếng

– Nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU)- một bộ phận của tạp chí The Economists, đưa ra dự báo GDP Việt Nam năm nay chỉ tăng 0,3%.

– Đại diện của ADB dự đoán GDP Việt Nam năm nay từ 4% đến 5%.

– Đánh giá của Ban Giám đốc điều hành của IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009 sẽ ở mức 4,8%.

– Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra dự báo GDP Việt Nam trong năm nay sẽ là 5,5%.

Năm 2008, Việt Nam đã trải qua một năm với tình hình kinh tế rất “đặc biệt”- theo như cách gọi của PGS,.TS  Nguyễn Xuân Thắng, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Đặc biệt vì nửa năm đầu lạm phát nặng nề và nửa cuối năm giảm phát. Năm 2009 cũng “chông chênh” giữa khả năng vừa lạm phát vừa giảm phát.

Trong tình huống như vậy, trong giới những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam hiện nay lại đang tồn tại hai xu hướng lạc quan và bi quan, xu hướng nào cũng cho rằng mình tiệm cận với thực tế hơn cả.

Giới lạc quan cho rằng, Kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi, thậm chí còn phục hồi sớm hơn cả nhiều cường quốc trên thế giới vào cuối năm 2009. Như nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn (Viện Kinh tế Chính trị thế giới) “máu đã cầm, tất cả đang hồng hào trở lại”!

Giới bi quan thì cho rằng đừng nghĩ nền kinh tế “hồng hào” như thế. Như khẳng định của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Đây không phải lúc ca khúc khải hoàn, thừa thắng xông lên! Không thể lạc quan tếu!

Trao đổi bên lề cùng chúng tôi, TS Võ Trí Thành, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương hài hước tự nhận mình và nhiều chuyên gia kinh tế khác hiện đều đang trở thành những “Gia cát dự” vì dự thế nào cũng đúng, nhưng chỉ dự được tình hình… dài hạn chứ ngắn hạn thì thôi theo cách “mình phục mình quá!”.

“Vì các con số để có thể kết luận được tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay là lạc quan hay bi quan đều chưa rõ ràng, Việt Nam đang phải giải bài toán quá đa diện. Bức tranh sáng tối thế nào ít nhất phải đến cuối quý II mới rõ”, TS Thành cho biết.

Cũng theo TS Thành, dự báo hiện nay luôn chỉ ở mức 50/50 vì tình hình kinh tế thế giới rất bất định. Như tại cuộc họp của G20, các quốc gia đều cam kết không bảo hộ mậu dịch nhưng sau đó 17/20 nước có cam kết đều thực hiện bảo hộ mậu dịch!

“Về tình hình kinh tế Việt Nam, mức xấu nhất là tăng trưởng 0,3%, cao nhất là 5,5%. Đồng thuận dự báo là từ 3,5% đến 5,5%”, TS Thành cho biết như vậy.

Có nhiều lý do để hy vọng kinh tế Việt Nam sẽ sớm phục hồi

Lên tiếng từ Viện Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhận xét: “Hiện tại, các quan điểm đánh giá về các mặt của nền kinh tế còn rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau và còn rất nhiều điểm chưa thống nhất…Điều hết sức lưu ý là chúng ta hầu như chưa thật chú tâm hoặc chưa tính hết các kịch bản triển vọng của tình hình, kể cả tình huống xấu nhất”.

Luôn luôn hy vọng

Trong một cuộc trò chuyện hành lang khác của chúng tôi với nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại Trương Đình Tuyển, ông Tuyển đã tỏ ra rất buồn khi thấy nhiều chuyên gia tranh cãi liên miên, chỉ trích mà không đưa ra được giải pháp gì cả.

“Có những người lên tiếng rất mạnh mẽ phê phán về việc đảo nợ trong gói kích cầu nhưng thực tế, hiện tượng này cũng không có gì là xấu. Hay có người chỉ trích rằng thị trường bất động sản, nếu được khôi phục sẽ khiến kinh tế lại lâm vào lạm phát, trong khi lạm phát xảy ra không đơn thuần là ở thị trường bất động sản mà ở thị trường xây dựng bất động sản”, ông Tuyển nhận xét.

Dù vậy, nguyên Bộ trưởng Thương mại vẫn có cái nhìn rất lạc quan và ông cho biết: “10 ngày trước, tôi có một bản báo cáo gửi lên Thủ tướng, trong đó có khẳng định tuy nền kinh tế thế giới đang bất định, nhưng nền kinh tế Việt Nam có lý do để hy vọng”.

Phân tích một cách kỹ lưỡng và thấu đáo về tình hình chung, TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng bên cạnh suy giảm tốc độ tăng trưởng GDP, thì nền kinh tế vĩ mô được củng cố và tính bền vững cao hơn năm 2008. Đây là “điểm son” trong chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ được thực thi từ tháng 3/2008 đến nay.

Các thành công có thể kể đến trong việc tạo nên điểm son này là kéo giảm và kiểm soát được CPI, mà có lúc tưởng chừng như “con ngựa bất kham” vào thời điểm tháng 4-5/2008; Ổn định được tỷ giá VND (năm 2008 tỷ giá VND giảm khoảng 9% so với USD, trong khi USD tăng hơn 15% so với các đồng tiền khác); cân đối được ngoại tệ; Hệ thống tài chính-ngân hàng được củng cố.

Nguy cơ phá sản một số ngân hàng thương mại đã vượt qua; Gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ có hiệu quả : trợ cấp hộ nghèo, tăng học bỗng và tín dụng cho SV, hỗ trợ DN giải quyết tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc..; bù lãi xuất 4% vốn lưu đông ( sữ dụng 17.000tỷ đồng); giảm miễn thuế…

Đánh giá tình hình kinh tế thế giới hiện cũng đang có 2 xu hướng như ở Việt Nam là lạc quan và bi quan. Dự báo lạc quan nhất cho rằng kinh tế toàn cầu suy thoái gần đến đáy và sẽ kéo dài sự trì trệ cho đến cuối năm 2009, triển vọng phục hồi từ đầu năm 2010, nhưng với tốc độ chậm; còn những học giả bi quan cho rằng sẽ xảy ra đại khủng hoảng, còn nặng nề hơn thời kỳ 1929-1933.

Tuy nhiên, đa số các chuyên gia của IMF, WB và kể cả các chuyên gia trong nuớc đều đánh giá tình hình theo quan điểm thứ nhất (lạc quan). Những người lạc quan dựa vào các tín hiệu sau đây: (1) thị trường tín dụng Mỹ và EU có dấu hiệu ấm trở lại; (2) thị trường IPO đã tan băng, Thị trường chứng khoán đang phục hồi; (3) mức tăng tỷ lệ thất nghiệp chậm lại; (4) tiêu thụ năng lượng tăng; và các nỗ lực chung của các chính phủ và định chế quốc tế sẽ mang lại kết quả.

Khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ khủng hoảng tài chính, khi niềm tin thị trường được hồi phục thì thị trường tài chính sẽ gượng dậy được.

TS Trần Du Lịch

Theo Đoàn Trần, Báo Dân trí điện tử