Kiểm soát chặt lỗ giả, lãi thật 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Khoảng 55% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ. Đây là con số trong Báo cáo kết quả tổng hợp phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo cũng cho thấy, có 12.455 doanh nghiệp FDI báo lỗ 131.445 tỷ đồng trong năm 2019. Trong khi đó, doanh thu của các doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2019 được ghi nhận khoảng 846.800 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm nước…

Nhận định về hoạt động của doanh nghiệp FDI, Bộ Tài chính cho rằng, hiệu quả sử dụng tài sản, sử dụng vốn đầu tư tại các doanh nghiệp FDI vẫn còn thấp, chưa phát huy hết tiềm lực của doanh nghiệp, nộp ngân sách chưa tương xứng với ưu đãi được hưởng, số doanh nghiệp FDI có lãi chiếm tỷ lệ ít, nhiều doanh nghiệp có số lỗ lớn và lỗ liên tục trong nhiều năm. Bên cạnh đó, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế diễn ra ở một số doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp luôn báo lỗ thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng.

Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp FDI liên tục mở rộng kinh doanh nhưng vẫn báo lỗ. Nghịch lý này dường như đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết điểm, ảnh hưởng rất lớn tới nguồn thu ngân sách.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp báo lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, có thể do doanh nghiệp chấp nhận chịu lỗ để tiếp tục đầu tư khi người đứng đầu doanh nghiệp có niềm tin vào cơ hội phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng doanh nghiệp báo “lỗ giả” nhằm thực hiện hành vi trốn thuế, chuyển giá. Vụ việc của Công ty Coca-Cola Việt Nam bị cơ quan thuế yêu cầu phải nộp vào ngân sách hơn 821 tỷ đồng tiền truy thu thuế và phạt chậm nộp là một bài học về việc phải đưa FDI vào “tầm ngắm” thanh tra để chống chuyển giá, né thuế nếu như xảy ra tình trạng doanh nghiệp báo lỗ nhiều năm liền.

Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường từng nhận định, báo cáo tài chính của các doanh nghiệp như có phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi. Điều đáng nói là tình trạng chuyển giá không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp FDI mà đã có doanh nghiệp trong nước từng “dính” vi phạm này, trong đó, Công ty TNHH Metro & Carry Việt Nam trước đây đã bị truy thu thuế 507 tỷ đồng là một ví dụ.

Để biến lãi thành lỗ, hoặc sắp đặt mức lãi thấp, các doanh nghiệp không thể làm việc riêng lẻ mà thường phối hợp, liên kết trong cùng tập đoàn hoặc từng nhóm. Nhiều doanh nghiệp đã dùng chiêu trò thông qua việc định giá cao đầu vào và khai báo giá bán thấp khi xuất khẩu, khai tăng nhiều chi phí khác, sử dụng chi phí trả lãi tiền vay… để thực hiện hành vi chuyển giá. Do đó, để chứng minh hành vi chuyển giá là điều không dễ dàng.

Gian lận chuyển giá có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, làm thất thu ngân sách và mất công bằng giữa các doanh nghiệp, ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư và chính sách an ninh tiền tệ quốc gia. Việc làm rõ “phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi” trong báo cáo của doanh nghiệp là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Điều này đòi hỏi cán bộ thực thi nhiệm vụ ngoài chuyên môn nghiệp vụ “cứng”, phải biết nói “không” với tiêu cực, bởi đây cũng là lĩnh vực được cho là khá nhạy cảm. Phát hiện sớm được sự “nhảy múa” của số liệu lỗ – lãi sẽ sớm có biện pháp mạnh tay để xử lý tình trạng “lỗ giả, lãi thật” của doanh nghiệp.