Kiến nghị tăng phí lưu hành xe cá nhân 5% mỗi năm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong báo cáo bổ sung trình Thủ tướng về thu phí giao thông, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng kiến nghị đổi tên phí lưu hành phương tiện cá nhân thành phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, còn phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vẫn được giữ nguyên.

Cơ quan này cũng đề xuất tăng phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ 5% mỗi năm, và không thu phí xe biển xanh, biển đỏ và xe ngoại giao.

Bộ trưởng Thăng đề xuất giao việc thu phí ôtô cho các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới; còn phí với môtô sẽ lùi thời gian thực hiện 6 tháng so với ôtô, và việc thu phí sẽ được giao cho các địa phương.

Theo tờ trình Chính phủ tháng 11/2011, Bộ Giao thông đề xuất mức phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, ôtô tùy theo dung tích xilanh phải đóng thấp nhất 20 triệu đồng, cao nhất 50 triệu đồng mỗi năm; môtô, xe máy tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng mỗi năm phải đóng 500.000 đồng (xe dưới 175 cm3) và một triệu đồng cho xe có dung tích lớn hơn.

Phí ôtô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm (6h-8h30 và 16h-19h hàng ngày, trừ ngày nghỉ, ngày lễ) dự kiến là 30.000 đồng một lượt ôtô dưới 7 chỗ và 50.000 đồng với các loại ôtô còn lại. Khu vực và mức thu cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định.

Trước đó, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Từ 1/6, các phương tiện cơ giới sẽ bị thu phí bảo trì đường bộ, mức cụ thể dự kiến công bố vào tháng 4 tới. Theo đề xuất của Bộ Giao thông, ôtô sẽ thu 180.000 – 1.440.000 đồng mỗi tháng tùy loại xe; môtô, xe máy thu 80.000 – 150.000 đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, cũng như phí lưu hành, phí bảo trì đường bộ cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ngày 20/3, Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, đã dự thảo văn bản gửi cơ quan chức năng, kiến nghị lùi thời hạn thu phí đến 1/1/2013 với mức thu bằng 60% mức đề xuất của Bộ Giao thông.

Phí bảo trì đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/6, sẽ cùng 6 dòng phí khác đánh vào ôtô bên cạnh phí trước bạ, phí biển số, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn. Ngoài ra còn 2 loại nữa là phí lưu hành và phí vào nội đô giờ cao điểm nếu đề xuất của Bộ Giao thông được thông qua.

Theo quan điểm Bộ Giao thông, việc tăng chi phí sử dụng phương tiện cá nhân sẽ hướng người dân tới sử dụng các loại phương tiện công cộng.
 

Xuân Hoa
Nguồn: Báo điện tử VnExpress