Kim ngạch xuất khẩu tăng 13% – mục tiêu không dễ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sau 4 tháng liên tiếp giảm sút về giá trị tuyệt đối, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2008 ước đạt 58,5 tỷ USD. Dự báo, nếu kim ngạch xuất khẩu tháng 12 này đạt ở mức thấp nhất là 4 tỷ USD, thì kết quả xuất khẩu cả năm 2008 của nước ta có thể đạt 62,5 USD. Nghĩa là, với mục tiêu tăng 13% trong năm tới, thì tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 cần đạt 70,6 – 71 tỷ USD, tăng thêm hơn 8 tỷ USD so với năm nay.

Nhóm hàng có lợi thế so sánh cao của nước ta hiện nay là nông – lâm – thuỷ sản có thể không chịu ảnh hưởng quá mạnh của suy thoái kinh tế thế giới như những mặt hàng công nghiệp. Thế nhưng với chỉ tiêu tăng ít nhất là 13% thì tổng kim ngạch của nhóm hàng này trong năm 2009 cần đạt ít nhất là 16,5 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so với năm 2008, đòi hỏi kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cần vượt ngưỡng 5 tỷ USD, gạo và sản phẩm gỗ đều phải vượt ngưỡng 3 tỷ USD, cà phê và cao su cũng phải vượt mốc 2 tỷ USD.

Nghĩa là, kim ngạch xuất khẩu mỗi mặt hàng cần tăng thêm 300-400 triệu USD so với năm nay. Đây là một nhiệm vụ khó khăn do giá các mặt hàng này giảm đáng kể trong những tháng gần đây và khó phục hồi trong thời gian ngắn.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến, bộ phận đang đóng góp hơn 56% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, dự báo sẽ gặp khó hơn nhiều. Với mục tiêu tăng bình quân 13%, thì kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này năm 2009 cần đạt ít nhất là 37,5 tỷ USD, tăng thêm 4,5 tỷ USD so với năm 2008.

Tuy nhiên, những mặt hàng chủ lực liệu có tiếp tục vươn tới đỉnh cao hơn nữa hay không, cụ thể như 8,5 tỷ USD đối với hàng dệt may, 4,5 tỷ USD đối với giày dép, 3 tỷ USD đối với điện tử-vi tính, 1,2 tỷ USD đối với dây điện-cáp điện…, nghĩa là mỗi mặt hàng tăng thêm 300-400 triệu USD so với năm 2008? Đây là thách thức rất lớn, bởi những thị trường chủ yếu tiêu thụ những mặt hàng này đang lâm vào tình trạng suy thoái trầm trọng, sức mua giảm mạnh..

Còn lại, nhóm hàng khoáng sản, chủ yếu là dầu thô và than đá. Năm 2009, khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, một lượng dầu thô đáng kể phải dành cho Nhà máy này, cùng với giá dầu thô giảm mạnh nên ước tính kim ngạch xuất khẩu dầu thô sẽ giảm khoảng 4 tỷ USD so với năm 2008. Trong khi đó, xuất khẩu than đá dự báo chỉ duy trì ở mức như năm nay (gần 1,5 tỷ USD).

Như vậy, tính sơ sơ, nếu xuất khẩu các mặt hàng (ngoài dầu thô và than đá) đều tăng ở mức trung bình là 13%, thì kim ngạch xuất khẩu năm 2009 chỉ tăng hơn 2 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra.

Trước tình hình đó, để đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra, những mặt hàng đang có lợi thế so sánh cao, cần phải có bước bứt phá mạnh. Kết quả mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông và châu Phi từ năm 2007 đến nay là một thí dụ (kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này năm 2008 ước tăng 30% so với năm 2007). Đồng thời, chất lượng hàng hoá, giá cả và thời gian giao hàng cần được nâng cao hơn nữa, nhằm duy trì khả năng tiêu thụ ổn định của những thị trường truyền thống.

Mặt khác, những công cụ tài chính – tiền tệ, bao gồm cả thuế suất và tỷ giá, cần được điều hành linh hoạt để hỗ trợ sản xuất và kinh doanh xuất khẩu, điển hình như việc cấp tín dụng cho DN mua vào 1 triệu tấn lúa hiện nay.
Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng DN và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các phương án và chính sách hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu năm 2009.

Nguồn: Báo Điện tử Đầu tư