Kiên quyết loại bỏ dự án chưa cấp bách 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công năm 2021 là trên 594.240 tỷ đồng, trong đó, có 526.378 tỷ đồng vốn ngân sách năm nay, 67.861 tỷ đồng vốn năm trước chuyển sang. Vậy nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm mới đạt hơn 133.890 tỷ đồng, bằng 29,02% kế hoạch Thủ tướng giao…

Cũng bởi vậy, khi thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV vừa qua, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đã đặt câu hỏi: Vì sao các dự án đầu tư công chậm, trong khi các dự án tư nhân lại triển khai nhanh? Một số đại biểu thì đề nghị phải siết chặt kỷ luật ngân sách, đồng thời làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, giám sát mạnh hơn các dự án trọng điểm quốc gia…

Ở góc nhìn khác, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) lo ngại trước tình trạng xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà từ ý muốn chủ quan. Cụ thể theo báo cáo của Chính phủ, hiện có tổng số 3.476 dự án thuộc diện chuyển tiếp. Vậy nhưng trong số này chỉ có 2.731 dự án có phương án bố trí vốn, số còn lại chưa có phương án cụ thể. Điều này có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, đặc biệt là tạo áp lực ngân sách cho giai đoạn tiếp theo.

Lý giải về trình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, ngoài những lý do như công tác xây dựng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách chưa được quan tâm đúng mức; chậm sửa đổi, bổ sung một số bất cập về cơ chế, chính sách; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương để xử lý vướng mắc chưa hiệu quả; nhiều dự án chuyển tiếp đã hết thời hạn bố trí vốn theo quy định nhưng các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương không chủ động trình cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời hạn bố trí vốn; do dịch Covid -19 bùng phát trở lại khiến việc triển khai thi công nhiều dự án gặp khó khăn… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng còn chỉ ra nhiều bất cập khác.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là dù đã có sự phân cấp mạnh nhưng nhiều địa phương vẫn đùn đẩy, né tránh hoặc đi hỏi Trung ương những vấn đề đã có dẫn đến mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó là việc lựa chọn dự án không được địa phương bám sát thực tiễn. Một số trường hợp còn có “bệnh thành tích”, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, chạy theo phong trào với những dự án đầu tư sân bay, cảng biển, đường cao tốc, khu công nghiệp… – giống như nhà máy giấy, mía đường trước đây, cứ chạy theo phong trào, không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nhưng vẫn đề xuất, dẫn đến dàn trải, không hiệu quả. Đặc biệt là tình trạng quy mô dự án quá lớn so với nhu cầu, đáng nhỏ lại xin làm to, làm tổng mức đầu tư lớn, gây lãng phí – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế mà còn làm gia tăng áp lực nợ công. Bởi vậy, để việc giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ, bảo đảm kế hoạch, ngoài những giải pháp vĩ mô, điều quan trọng là các bộ, ngành, địa phương cần kiên quyết loại bỏ các dự án chưa thực sự cấp bách, cần thiết. Ngoài ra, cần đổi mới cơ chế chính sách, có tầm nhìn dài hạn, loại bỏ các thủ tục rườm rà, phức tạp, có cơ chế động viên các địa phương làm tốt nhưng đồng thời cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Không thể để tình trạng chậm giải ngân tiếp diễn năm này sang năm khác nhưng không có ai phải chịu trách nhiệm.