Kinh doanh hoá chất tại Việt Nam: Có luật nhưng siết không dễ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kể từ hôm nay (30.3), việc kinh doanh hoá chất được siết chặt bởi thông tư 04 của Bộ Công Thương có hiệu lực, tuy nhiên, trên thực tế việc siết không dễ…

Có quy định cũng như không

Tại chợ Kim Biên – nơi kinh doanh hoá chất sỉ của TPHCM – mặc dù đã đến giờ “G” có hiệu lực của thông tư 04 về phân loại và ghi nhãn hoá chất được sản xuất, nhập khẩu, lưu thông tại VN, thế nhưng, các hộ kinh doanh mặt hàng này vẫn “bình chân như vại” vì hoá chất không nhãn mác vẫn được đóng can nhựa trưng bày công khai. Thậm chí, khi hỏi về thông tư 04, nhiều người vẫn không biết đó là gì.

Theo quy định mới, hoá chất nhập khẩu vào Việt Nam phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hoá chất bao gồm tên hoá chất; mã nhận dạng; hình đồ cảnh báo, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ; biện pháp phòng ngừa; định lượng; thành phần hoặc thành phần định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng (nếu có); thông tin nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối; xuất xứ hàng hoá và hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Ngoài ra, hoá chất kinh doanh phải phân theo hai cách là: Nguy hại vật chất và theo mức độ nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường như độc cấp tính, ăn mòn da, tổn thương mắt, tác nhân nhạy hô hấp hoặc da, khả năng gây đột biến tế bào mầm, khả năng gây ung thư, độc tính sinh sản, môi trường nước, tầng ozon.

Tuy nhiên, chứng kiến tại khu vực của chợ sỉ này mới thấy, việc mua bán hoá chất quá dễ và chẳng ai kiểm soát khi hàng hoá không có bất kỳ nhãn phụ nào bằng tiếng Việt. Các bình đựng hoá chất chỉ ghi sơ sài bằng bút lông. Khi muốn mua hoá chất nào thì chỉ cần nói tên là sẽ được người bán đáp ứng và chiết rót ngay. 

Sờ đến đâu cũng thấy sai phạm

Theo ông Nguyễn Gia Hòa – Phó Trưởng phòng Kinh tế quận 5 – tại chợ Kim Biên hiện có 94 cơ sở kinh doanh hoá chất, trong đó 74 hộ kinh doanh hương liệu phụ gia thực phẩm, còn lại là hoá chất công nghiệp và sản phẩm hầu hết nguồn gốc nước ngoài.

Trên thực tế, 100% số hộ kinh doanh ở đây đều không có kiến thức chuyên môn về hoá chất, chưa kể kinh doanh không có giấy phép. Đặc biệt, 90% số phụ gia hoá chất trên thị trường quận 5 nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng nhiều hoá chất không được ghi nhãn mác, nhập nhằng không biết nhập từ đâu khiến cơ quan chức năng không kiểm soát được.

Ông Thái Thanh Hải – Trưởng phòng Y tế quận 5 – cho biết, ngoài số hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm trong chợ, trên địa bàn quận 5 còn gần 100 cơ sở kinh doanh hoá chất công nghiệp và phụ gia thực phẩm. Cũng theo ông Hải, trong năm 2011 đã kiểm tra 37 cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm, hầu như cơ sở nào cũng có sai phạm.

Câu hỏi đặt ra, làm sao quản lý được nguồn gốc và độ an toàn của các mặt hàng này? Chính Ban quản lý chợ cũng khẳng định: Khó quản lý được! Còn theo ý kiến của một lãnh đạo quận 5, khó khăn nhất hiện nay là đoàn kiểm tra của quận, phường ít có kiến thức về hoá chất. “Khi kiểm tra, họ nói chất gì thì biết chất đó! Nếu nhãn dán bên ngoài ghi tên một chất, mà bên trong là chất khác thì chúng tôi cũng chịu thôi” – lãnh đạo này thừa nhận.

Trong chuyến đi khảo sát kinh doanh hoá chất tại chợ Kim Biên cách đây hơn 2 tháng của Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã cảnh báo một số quầy sạp đang bày bán cả phụ gia thực phẩm và hoá chất công nghiệp “chỉ cần nhầm lẫn nhỏ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của rất nhiều người”.

Với thực tế trên cho thấy, với thông tư 04 ra đời vẫn khó kiểm soát được các loại hoá chất đang kinh doanh tại khu vực này, đặc biệt là các loại hoá chất nhập lậu. Chúng tôi xin nhấn mạnh con số của GS Chu Phạm Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT TPHCM – đưa ra mới đây: Tại VN, trong tổng số vụ ngộ độc năm 2005 có 15% là do ngộ độc thực phẩm từ hoá chất. Đến năm 2010, con số này tăng lên thành 60% và hiện nay chắc chắn không dừng lại ở con số 60. Số liệu trên chưa phản ánh thực chất vì thực tế, các ca ngộ độc lẻ tẻ cấp cứu tự đến BV hằng ngày chắc chắn chiếm số lượng không nhỏ.

Võ Tuấn
Nguồn: Báo Điện tử Lao động