Kinh doanh XK gạo : Hiểu nhầm văn bản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo ông Cao Minh Viễn – Giám đốc Cty TNHH Song Thuận (Tiền Giang) Thông tư số 44/2010/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 31/12/2010, cho phép DN có thể thuê, mướn cơ sở vật chất trong năm đầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp DN tận dụng thuê, mướn, lựa chọn cơ sở xay, xát tốt để đầu tư. Tuy nhiên, QĐ số 560 của Bộ NN-PTNT ban hành quy định tạm thời lại buộc các DN phải áp dụng ngay một quy chuẩn chặt chẽ mang tính liên hoàn, đồng bộ trong dây chuyền, công nghệ bảo quản và chế biến mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo là khó thực hiện được bởi ngày 1/10 tới là thời điểm áp dụng Nghị định 109, những DN nào không có giấy chứng nhận sẽ không được tham gia xuất khẩu gạo. Điều này có thể gây ra những tác động bất lợi đối với hoạt động xuất khẩu gạo và ảnh hưởng đến việc thu mua lúa trong nông dân. Còn ông Lâm Anh Tuấn – GĐ Cty TNHH lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) lại đưa ra những bất cập trong việc thực hiện QĐ 560 bởi đặc điểm sản xuất lúa ở ĐBSCL còn manh mún nhỏ lẻ, trong quá trình sản xuất từ lúa đến gạo thành phẩm đã có sự phân công của các DN. Các cơ sở xay xát thóc thường bố trí ngay tại vùng nguyên liệu rồi mới vận chuyển đến các nhà máy đánh bóng, phân loại và phối trộn… Do vậy, nếu quy định hệ thống máy xay xát phải nằm đồng bộ và liên hoàn trong một cơ sở chế biến là không phù hợp với tình hình thực tế. Theo ông Tuấn, việc đầu tư thêm các cơ sở xay xát không khéo sẽ gây lãng phí bởi năng lực hiện tại của các nhà máy xay xát đã thừa so với lượng lúa thu hoạch của từng vụ ở toàn vùng ĐBSCL.

Theo báo cáo của Hiệp hội lương thực VN (VFA), đến nay chỉ mới có 7 DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Vì vậy, căn cứ vào tình hình thực tế và theo kiến nghị của DN và các đoàn kiểm tra liên ngành, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, sửa đổi quy chuẩn tạm thời về yêu cầu kỹ thuật kho chứa thóc chuyên dùng và cơ sở xay xát lúa gạo phục vụ xuất khẩu, theo hướng giảm bớt các yêu cầu kỹ thuật, chỉ bắt buộc đáp ứng những điều kiện căn bản nhất của Nghị định 109 và có lộ trình hoàn chỉnh tiếp để DN có thời gian chuẩn bị.

Sau khi tiếp nhận văn bản đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT đã khẳng định, QĐ 560 không có nội dung quy định bắt buộc các cơ sở xay, xát thóc, gạo phải có dây chuyền đồng bộ và liên hoàn mà chỉ quy định về yêu cầu kỹ thuật các thiết bị cho từng công đoạn, không nhất thiết phải bố trí liên hoàn trên cùng một địa điểm.

Như vậy đã rõ, Sở Công Thương địa phương do cách hiểu chưa nhất quán, hiểu nhầm nội dung của QĐ 560 của Bộ NN-PTNT nên phần nào đã gây khó khăn cho DN trong việc làm thủ tục đăng ký kinh doanh xuất khẩu gạo và hệ lụy là lượng gạo tồn sau thu hoạch của nông dân rất lớn và ảnh hưởng đến giá lúa trong nước.

Quốc Chánh
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp