Kinh tế 2010: Muốn tránh hệ lụy, không thể lơ là
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vượt ra khỏi “ao nhà”

Nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua đáy suy giảm và đã đạt được tăng trưởng 5,32%. Đó là kết quả của sự điều hành có hiệu quả của chính phủ, nỗ lực, phấn đấu của doanh nghiệp và sự đồng thuận của xã hội.

Bên thềm năm 2010, bức tranh kinh tế thế giới đã có phần sáng sủa hơn năm 2009, kinh tế thế giới cũng đã thoái khỏi suy thoái, mặc dù sự phục hồi còn mỏng manh, yếu ớt, một số nền kinh tế lớn cần phải có thêm thời gian và tiền của mới có thể lấy đà tăng trưởng mạnh hơn.

Tuy nhiên, dù trong bối cảnh thế giới như vậy cũng có thể cho chúng ta cái nhìn lạc quan hơn kịch bản kinh tế năm 2010.

Thông điệp của Chính phủ đã công khai 5 nhóm giải pháp cho kinh tế năm 2010 có tính khả thi cao nếu chỉ với mục tiêu đạt tăng trưởng 6,5%.

Có nhiều cơ hội và khả năng để chúng ta đẩy mạnh phát triển sản xuất, dịch vụ, khai thác thị trường trong nước, mở rộng thị trường ngoài nước, thị trường mới, nếu DN chúng ta tiếp tục vượt lên chính mình trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao năng lực quản trị DN.

Thị trường trong nước hiện nay và trong tương lai đều không còn là “ao nhà” của DN. Cả thị trường Việt Nam lẫn bên ngoài đều thực sự có sự cạnh tranh gay gắt, mạnh mẽ của DN nước ngoài. Với DN Việt Nam phần nhiều, sự cạnh tranh còn lạ lẫm, trong khi với DN nước ngoài thì đã là lẽ đương nhiên.

Kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu của việc thoát đáy suy thoái, nhất là một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, EU. Điều này mở ra cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu, thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Tình hình ấy có thể sẽ tạo nên gam màu sáng, hứa hẹn nhiều may mắn, thuận lợi cho kịch bản năm 2010.

Do vậy, nếu chỉ với mục tiêu đạt tăng trưởng cao hơn năm 2009 thì ta có nhiều cơ may và khả thi.

Không thể lơ là các cân đối vĩ mô

Tuy nhiên, dù có quyết tâm và đồng thuận cao, điều hành vĩ mô không thể lơ là, hoặc lơi lỏng với ổn định vĩ mô và nguy cơ tái lạm phát cao (hơn 7%).

Chúng ta phải chủ động nhận thức một cách sâu sắc hai nguy cơ này để phòng ngừa một cách tích cực, chứ không phải suy luận vô căn cứ, không có cơ sở thực tiễn từ thực trạng kinh tế của ta và những tác động “bất khả kháng” của bên ngoài, của kinh tế thế giới.

Về ổn định vĩ mô, đó là vấn đề không dễ dàng đối với chúng ta khi năng lực, tiềm lực tài chính của ta còn rất hạn chế, không dễ dàng trang trải, cân đối mọi nhu cầu cho phát triển, hoặc điều chỉnh một quan hệ cân đối lớn nào đó. Điều này tương tự như việc ta có một cái chăn nhỏ, ngắn, hễ kéo đầu thì hở chân, hoặc ngược lại. Nói cách khác, chăn nhỏ, khéo co còn khó đủ. Nếu ta cố gồng mình để đạt mục tiêu tăng trưởng cao thì sẽ rất không dễ dàng bảo đảm các cân đối lớn, ổn định vĩ mô.

Trong thực trạng kinh tế của ta hiện nay ít có khả năng thực tế để vừa đạt tăng trưởng cao lại vừa bảo đảm ổn định vĩ mô vững chắc. Đó là chưa tính đến những yếu tố ngoại lai, tác đông cộng hưởng mà ta không thể dự báo được, hoặc có tính đến nhưng không chính xác, hoặc khi ta muốn giữ cân đối nào đó nên phải sử dụng một chính sách nhưng đã vô tình làm ảnh hưởng bất lợi một quan hệ cân đối khác (như chủ trương không cho nhập khẩu vàng trong năm 2009 vừa qua).

Xác định quyết tâm đạt tăng trưởng cao như được nêu trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng, thì mặc nhiên, chúng ta không thể chủ quan, lơ là với các cân đối lớn và ổn định vĩ mô .

Về mục tiêu giữ CPI dưới 7% cũng không dễ, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2010 và các năm tiếp theo, khả năng tăng giá nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị cho đổi mới công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường thế giới là điều khá rõ ràng.

Tình hình này đương nhiên sẽ tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam. Làm thế nào kiềm giữ tỷ giá USD/VNĐ, cân đối XNK, cân đối thu chi ngân sách, nợ quốc gia…để kéo CPI dưới múc 7%?

Đó là chưa nói đến các cân đối tiền tệ – tín dụng trong hoạt động kinh tế năm 2010, nhất là nguồn tín dụng trung và dài hạn cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong nông nghiệp, ứng dụng khoa học – kĩ thuật, công nghệ cho nông nghiệp, đổi mới công nghệ, cải tiến kĩ thuật để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Hơn nữa, độ trễ của tình trạng tăng tín dụng để chống suy giảm trong năm 2009 cũng cần được tính đến.

Tất cả những cái đó không thể không tác động cộng hưởng đến ổn định vĩ mô và nguy cơ tái lạm phát cao trong năm 2010, nhất là khả năng tái lạm phát cao vào cuối năm 2010 là rất lớn. Vì vậy mà điều hành vĩ mô không thể chủ quan hay lơ là với hai nguy cơ này…

Tác giả: TS Phạm Minh Trí
Nguồn: Báo Điện tử VietNamNet