Kinh tế khó khăn hơn 2008
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tính chung, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý đầu năm chỉ ở mức khoảng 3,1%. Mặc dù vẫn là tín hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều tăng trưởng âm, song đây là mức tăng rất thấp so với con số 7,4% cùng kỳ năm ngoái, cũng như chỉ tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% đã được đề ra cho năm nay. Suy giảm kinh tế đã bộc lộ ngày càng rõ nét hơn, nhất là ở khu vực sản xuất công nghiệp.

Số liệu thống kê cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp trong quý I/2009 chỉ đạt 152.900 tỷ đồng, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2008 (cùng kỳ tăng 16,3%). Đáng nói là, ngoại trừ một số mặt hàng như dầu thô, bia, xi măng có mức tăng trưởng trên 10%, còn phần lớn các sản phẩm công nghiệp khác đều tăng rất thấp, thậm chí giảm mạnh. Chẳng hạn, sản xuất kính thuỷ tinh giảm khoảng 40%; giấy, bìa giảm trên 39%, vải dệt từ sợi bông giảm 38,3%…
Nếu tính theo địa phương, thì đáng lo là TP.HCM – trung tâm công nghiệp lớn của cả nước – giá trị sản xuất công nghiệp trong quý I chỉ đạt mức tăng 1,9%. Nguyên nhân của tình trạng này là do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Do nhiều mặt hàng công nghiệp tồn kho lớn, tiêu thụ chậm, nên doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản xuất.

Trong khi đó, xuất khẩu vẫn đang gặp khó khăn lớn. Trong quý I/2009, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 13,48 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2008 (cùng kỳ tăng 22,7%). Điều đáng chú ý là nếu trừ đi tới 2,287 tỷ USD xuất khẩu vàng, đá quý (mà phần lớn là xuất khẩu vàng), thì kim ngạch xuất khẩu giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Yếu tố thứ ba có vai trò quan trọng tới tăng trưởng kinh tế là khu vực dịch vụ cũng chỉ tăng trưởng 5,4% trong quý I này. Không chỉ du lịch, vận tải suy giảm, mà lĩnh vực kinh doanh bán lẻ và dịch vụ trong nước cũng bị tác động do thu nhập và nhu cầu có khả năng thanh toán của dân cư giảm nhiều. Trong quý I, tổng mức lưu chuyển hàng hóa ước đạt 270.000 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2008.

Mức tăng này là khá cao, song nếu trừ đi yếu tố giá cả (14,47%) thì khá thấp. Cầu giảm, mà một trong những dấu hiệu khá rõ là chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3/2009 âm 0,17% so với tháng trước, khiến đầu ra của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Điều này tất yếu sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh cuộc khủng tài chính toàn cầu còn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm nay chắc chắn trở nên hết sức khó khăn. Các định chế nước ngoài cũng đã đưa ra các dự báo khác nhau về tăng trưởng GDP của Việt Nam và không dự báo nào vượt quá con số 5,5%.

Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng của Việt Nam năm nay sẽ ở mức 5,5%, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo 4,75%, Ngân hàng Citi Group dự báo là 5,2%, còn Ngân hàng Deutsche Bank đưa ra con số 4%…

Dù mỗi dự báo được đưa ra dựa trên các phương pháp luận khác nhau, song diễn biến hiện tại cho thấy, không thể sớm lạc quan với khả năng hồi phục của nền kinh tế. Điều đó đòi hỏi phải có những biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, đồng thời phòng ngừa nguy cơ lạm phát trong suy giảm kinh tế.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử