Kinh tế quí 1: chưa thể lạc quan
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhìn lại các con số

Tại hội thảo quốc tế do Ngân hàng Nhà nước và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức tại Hà Nội ngày 22-3-2010, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã thông báo tốc độ tăng GDP quí 1 ước đạt 6% (con số thực tế là 5,8%). Có lẽ ai cũng vui về bất kỳ sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ nào của nền kinh tế.

Tuy nhiên cũng phải lưu ý rằng không thể quá lạc quan về những con số đó vì các chỉ tiêu tăng trưởng của quí 1 năm ngoái đều đặc biệt thấp:GDP chỉ tăng trưởng 3,1%, nông-lâm-ngư: 0,4%, công nghiệp-xây dựng: 1,5%, dịch vụ: 5,4%. Các chỉ tiêu tăng trưởng của quí 1-2010 cao là do dựa trên so sánh với một quí tăng trưởng yếu kém. Tăng trưởng ở mức cao là dấu hiệu tích cực song không thể là lý do để quá lạc quan vì các vấn đề cơ bản của nền kinh tế như cơ cấu lại nền kinh tế, ổn định các cân đối kinh tế vĩ mô vẫn còn đè nặng lên nền kinh tế.

Một hiện tượng xuất hiện đột ngột và gay gắt khác thường đối với các doanh nghiệp là sự tăng giá đồng loạt, dồn dập trong thời gian ngắn, của hầu hết các mặt hàng là đầu vào của doanh nghiệp: điện, than, nước, xăng dầu, các vật tư nhập khẩu (do hai lần điều chỉnh tỷ giá) và lãi suất tín dụng. Bên cạnh đó, giá cả nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác đều đã tăng đáng kể như giá vé máy bay, giá thức ăn gia súc, giá sữa, thuốc chữa bệnh…

Nếu như các doanh nghiệp tiêu thụ hàng trong nước còn có khả năng tăng giá ở mức độ nhất định để bù đắp ít nhiều tác động của việc tăng giá thì các doanh nghiệp gia công, các doanh nghiệp xuất khẩu đã ký kết hợp đồng trước đó đặc biệt khó khăn vì họ không có khả năng thương thảo lại giá hợp đồng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa hoàn toàn hồi phục từ mức lạm phát, lãi suất cao và khan hiếm thanh khoản tín dụng trong hai năm 2008-2009 đã chịu thêm những khó khăn mới.

Điều này không thể không tác động tới tăng trưởng kinh tế trong những quí tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm đến yêu cầu kiềm chế lạm phát và đã có công điện, công văn nhắc nhở các bộ, các tỉnh, thành phố, song lạm phát không chỉ còn là nguy cơ mà đã trở thành hiện thực tác động lên đời sống hàng ngày của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp.

Nếu không có sự điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong những quí tiếp theo thì không những mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô sẽ rất mong manh mà cả mục tiêu tăng trưởng cao cũng khó có thể thực hiện được theo hướng hiệu quả và bền vững.

Câu hỏi đặt ra là những quyết định tăng giá đó đã có phương án dự kiến đầy đủ các tác động đối với các doanh nghiệp và đời sống người dân chưa? Mặc dầu một số quan chức vẫn “yên tâm về khả năng kiểm soát lạm phát”, điều cần rút kinh nghiệm là dứt khoát không nên lặp lại lần nữa kịch bản tăng giá dồn dập trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.

Lạm phát trong quí 1 cũng đã làm cho yêu cầu ổn định cân đối kinh tế vĩ mô trong những quí tiếp theo trở nên cấp bách và phức tạp hơn.

Trong khi các bộ đang sử dụng quá nhiều các công cụ hành chính như kiểm soát giá, ấn định trần lãi suất huy động vốn… để tác động riêng lẻ vào từng khâu của một hệ thống phức hợp, có tương tác chặt chẽ với nhau của kinh tế thị trường thì những quyết định đẩy mạnh đầu tư, việc khởi công nhiều dự án, công trình đầu tư lớn, được tài trợ từ vốn do Nhà nước vay hoặc do Nhà nước bảo lãnh lại tác động tới tỷ giá của đồng tiền. Việc hãng xếp hạng tín dụng Fitch cảnh báo khả năng giảm mức độ xếp hạng tín nhiệm của nền kinh tế là một tín hiệu không thể bỏ qua.

Phân tích tình hình quí 1-2010 cho thấy rõ ràng ưu tiên tăng trưởng cao vẫn chiếm ưu thế trong chính sách kinh tế so với ổn định cân đối kinh tế vĩ mô và tiếp tục làm cho những mất cân đối đó kéo dài và phức tạp thêm. Và cũng không thể cho rằng, qua tình hình quí 1-2010, các cân đối kinh tế vĩ mô đã được cải thiện. Những nỗ lực ngắn hạn như vay thêm từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Nhật Bản hay phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế chỉ làm dịu đi cơn khát vốn của ngân sách nhưng không giải quyết nguyên nhân sâu xa của sự mất cân đối vĩ mô.

Chưa hết khó khăn trong các quí tới

Với mức tăng dân số 1,2 triệu người/năm, kinh tế phải tăng trưởng để bảo đảm ổn định và cải thiện đời sống, vì vậy, cần đầu tư. Song, vấn đề là nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng tăng trưởng, khắc phục tham ô, lãng phí, thực hiện tiết kiệm thay cho tiếp tục tăng trưởng theo chiều rộng, đầu tư nhiều nhưng không ít công trình dở dang, kéo dài, tuy có tăng GDP nhưng hiệu quả thực tế chưa cao.

Nếu không có sự điều chỉnh thứ tự ưu tiên trong những quí tiếp theo thì không những mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô sẽ rất mong manh mà cả mục tiêu tăng trưởng cao cũng khó có thể thực hiện được theo hướng hiệu quả và bền vững. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là tiền đề không thể thiếu được để bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Nếu như năm 2009 đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các biện pháp can thiệp hành chính của Chính phủ vào sự vận hành của cơ chế thị trường và hoạt động của doanh nghiệp, thì trong quí 1-2010 xu thế đó không hề giảm. Không chỉ số lượng các thông tư, chỉ thị, quyết định dưới luật tăng lên mà mức độ, lĩnh vực can thiệp cũng ngày càng mở rộng hơn như kiểm soát giá các sản phẩm thương mại.

Thực tế cho thấy rằng, kiểm soát giá bằng biện pháp hành chính không ngăn được tăng giá bắt nguồn từ điều chỉnh tỷ giá và nâng giá đầu vào. Tương tự, ấn định lãi suất trần cũng không ngăn chặn được sự tăng lãi suất trên thực tế qua các loại phí để vay được vốn cũng như các hình thức thưởng, khuyến mại để huy động vốn.

Mức độ dày đặc của các chỉ thị thiếu căn cứ điều tra, nghiên cứu thực tế đã không đem lại hiệu lực cao hơn của văn bản. Thay vì quyết định dồn dập tác động vào hoạt động của doanh nghiệp (như các đợt tăng giá vừa qua), trong những quí sau, rất cần những quyết định căn cơ, dựa trên sự bàn bạc, trao đổi với các doanh nghiệp để góp phần giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp. Hiệu lực điều hành của Chính phủ sẽ được nâng cao hơn nếu như tính nhất quán, khả năng dự báo của các quyết định cao hơn thông qua tham khảo các doanh nghiệp và quá trình xây dựng văn bản công khai minh bạch hơn.

Quí 1-2010 cũng cho thấy sự hồi phục kinh tế thế giới không phải mạnh mẽ và xuôi chèo, mát mái như mong muốn. Bong bóng bất động sản Dubai, khủng hoảng ngân sách ở Hy Lạp, Ý, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang phủ bóng đen lên khu vực đồng euro. Ngay cả nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng cao cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ của bong bóng bất động sản và tăng trưởng quá nóng.

Tất cả đều cho thấy cần phải đề phòng những biến động khó lường. Các biện pháp bảo hộ mậu dịch, các vụ kiện bán phá giá tăng lên khiến cho nỗ lực tăng xuất khẩu của các doanh nghiệp khó đạt kết quả hơn. Biến đổi khí hậu cũng đã tăng thêm khó khăn và chi phí cho nông nghiệp và công nghiệp. Câu trả lời phải là nâng cao hiệu quả, tiết kiệm thông qua vận dụng khoa học – công nghệ, tái cơ cấu kinh tế.

Điều đáng mừng là trong quí 1 cũng đã có những quyết định đúng hướng như phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thực hiện hợp tác công tư (PPP Public-Private Partnership) trong thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển (ODA) và trong xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách hành chính theo Đề án 30…

Song, hiệu quả của các quyết định, dự án khởi công, công trình động thổ chỉ được quyết định trong thực tế chứ không phải trên giấy tờ hay qua hình ảnh truyền hình. Bước ngoặt quyết định chuyển sang tăng trưởng theo chiều sâu, hiệu quả hơn, giá trị gia tăng cao hơn phải được thực hiện trong những quí tới để vừa ổn định cấn đối vĩ mô, vừa tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online