Kinh tế vĩ mô chưa bền vững
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Phục hồi kinh tế sau suy giảm

Tham dự buổi họp báo có Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ TTTT Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Thống đốc Ngân hàng NNVN Nguyễn Văn Giàu cùng các thứ trưởng.

Năm 2010 là năm hồi phục kinh tế sau suy giảm, từng bước phục hồi và tăng trưởng khá nhanh. GDP cả nước năm 2010 tăng 6,78%. Tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm trước: công nghiệp tăng 7,03%, xây dựng tăng 10,06%, nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, dịch vụ tăng 7,52%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung cả năm 2010 ước đạt trên 1.561,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,5%. Cuộc vận động Người VN dùng hàng VN thu kết quả tốt đẹp.

Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cả năm 2010 ước đạt trên 5 triệu lượt khách, tăng 34,8%, chủ yếu đến từ một số thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc.

Tổng giá trị giải ngân năm 2010 ước đạt 3.500 triệu USD. Tổng giá trị vốn ODA được ký kết thông qua các Hiệp định ước đạt 3,172 triệu USD. Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà trợ cho VN tổ chức tháng 12.2010, cộng đồng các nhà tài trợ đã cam kết tài trợ 7,9 tỷ USD cho VN.

Xuất khẩu năm 2010 ước đạt 71,6 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 84 tỷ USD; nhập siêu cả năm 2010 ước xấp xỉ 12,4 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12.2010 tăng 1,98% so với tháng trước; trong đó nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống dẫn đầu với 3,31%; tiếp đó là nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, may mặc…. Bưu chính viễn thông tiếp tục là nhóm hàng có chỉ số giá giảm nhẹ so với tháng trước. Chỉ số giá vàng tăng 5,43%, giá USD tăng 2,86% so với tháng trước. Nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá chủ yếu do giá thị trường thế giới tăng mạnh, gây áp lực tăng giá thị trường hàng hóa trong nước. Bên cạnh đó, hậu quả của các đợt lũ lụt tại miền Trung và nhu cầu tiêu dùng cuối năm cũng góp phần tăng chỉ số giá. Năm 2010, VN đã ra được ra khỏi tốp nghèo, vượt lên tốp các nước có thu nhập trung bình, thu nhập bình quân 1.168USD/người/năm

Thế giới đánh giá môi trường đầu tư của VN tăng 16 bậc, nền kinh tế VN đứng thứ 59 trên thế giới. VN được coi là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm giảm còn khoảng 9,45%, cả nước còn 62 huyện nghèo. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ phê duyệt chuẩn nghèo mới, VN phải đối mặt với tỉ lệ 16% hộ nghèo. Đây sẽ là một thách thức lớn.

Mặc dù kinh tế tăng trưởng nhưng tỷ lệ lạm phát vẫn cao, giá cả leo thang, lãi suất ngân hàng cao, nhập siêu lớn. Đây chính là điểm yếu của VN, chứng tỏ kinh tế vĩ mô chưa bền vững, hệ thống thị trường tiền tệ tài chính còn yếu, điều hành của Thống đốc ngân hàng và Chính phủ chưa thống nhất.

Mỗi ngày xảy ra 37,8 vụ tai nạn giao thông

Về trật tự an toàn giao thông, tính chung 11 tháng đầu năm 2010, cả nước xảy ra 12.614 vụ tai nạn giao thông, tăng 13,35%; làm chết 10.399 người và bị thương 9.228 người. Bình quân một ngày xảy ra 37,8 vụ tai nạn giao thông, làm chết 31,1 người và bị thương 27,63 người. Nhiều vấn nạn như tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, tội phạm gia tăng gây bức xúc trong xã hội.

Về giáo dục, toàn quốc có 52/63 tỉnh thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 63/63 tỉnh thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Tổng số lượt lao động được giải quyết việc làm năm 2010 ước đạt 1.608 nghìn lượt người, trong đó xuất khẩu LĐ ước đạt 83 nghìn người.

Các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được tích cực triển khai. Các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa được quan tâm. Năm 2010 VN có thêm 3 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, bao gồm Văn bia tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám; khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long và hội Gióng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, năm 2011 là năm có cơ hội thuận lợi cho VN với thế và lực đủ mạnh. Từ đỉnh cao đối ngoại, an ninh quốc phòng năm 2010, VN được thế giới coi là điểm đến để đầu tư trên mọi lĩnh vực (kinh tế, văn hóa, du lịch…). Chính phủ chỉ đạo năm 2011 phải ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát; đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch một bước cơ cấu kinh tế, tạo năng suất, chất lượng, hiệu quả của kinh tế nước nhà, đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh nhưng bền vững, phấn đấu đạt 7-7,5%; tiếp tục thực hiện tốt an sinh xã hội, giảm nghèo, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, cải thiện một bước đời sống vật chất, tinh thần của người dân; bảo đảm quốc phòng an ninh, tiếp tục hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế VN trên trường quốc tế.

Đức Hạnh
Nguồn: Báo Điện tử Lao động