Kinh tế Việt Nam năm 2012: Sẽ vượt qua nhiều thách thức
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mục tiêu lớn trên chặng đường dài


Đại hội Đảng lần thứ XI đã thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011-2015. Nhằm triển khai thực hiện, Chính phủ đã trình Quốc hội Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn này và đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP từ 6,5%-7%; tỷ trọng đầu tư toàn xã hội từ 33,5%-35% GDP; giảm dần nhập siêu từ năm 2012 và phấn đấu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%-7% vào năm 2015….


Theo đánh giá của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế mục tiêu trên là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng của giai đoạn này còn phụ thuộc vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và triển vọng của kinh tế thế giới. Nếu kinh tế toàn cầu cải thiện hơn, nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam tăng sẽ thúc đẩy sản xuất tăng trưởng mạnh. Môi trường kinh doanh Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể khiến thu hút được nhiều vốn FDI hơn, đây cũng là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, lượng kiều hối về Việt Nam tiếp tục tăng, dịch vụ tài chính phát triển… sẽ là những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới.


Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một trật tự thế giới mới đang được hình thành. Các lợi thế về chính trị của Việt Nam đem lại nhiều cơ hội và cả khó khăn. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam sẽ chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu, đặc biệt là Liên hợp quốc. Việc Việt Nam đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một bằng chứng cho thấy Việt Nam đang nỗ lực hội nhập một cách sâu rộng hơn. Tham gia TPP Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ kinh tế với các đối tác lớn, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải cách nền kinh tế thị trường.


Theo báo cáo cảm nhận môi trường đầu tư, kinh doanh được trình bày tại VBF mới đây đã đánh giá: năm 2011 được nhìn nhận là một năm các DN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thể hiện qua chỉ số cảm nhận về môi trường kinh doanh giảm xuống thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Mặc dù vậy, đa số DN vẫn lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Con số 69% DN tham gia Hội nghị cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới tuy giảm mạnh so với mức 76% của lần điều tra trước, song cho thấy tín hiệu đồng hành với Chính phủ trong những bước đi cần thiết để đạt mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng chất lượng và hiệu quả.


Nhìn chung, các DN trong nước có cái nhìn lạc quan về môi trường đầu tư hơn so với cộng đồng DN nước ngoài trên hầu hết các lĩnh vực (12/14 lĩnh vực). Đơn cử như hạ tầng giao thông, nỗ lực cải cách hành chính…


Quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức


Đối với triển vọng kinh tế Việt Nam 2011-2015, các chuyên gia cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ phát triển chậm lại. Trong bối cảnh này, Việt Nam rất cần những biện pháp ứng phó trong khi vẫn phải duy trì tăng trưởng kinh tế. Điều này đặt ra những bài toán trong mô hình phát triển và kiềm chế lạm phát bên cạnh việc củng cố sức mạnh của tiền đồng.


Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, Việt Nam đang quyết tâm vượt qua những khó khăn hiện tại, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và cải thiện môi trường đầu tư. Trong thời gian tới Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế với 3 đột phá: tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu ngân hàng thương mại và các định chế tài chính; và tái cơ cấu doanh nghiệp với trọng tâm là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

 
Trong kế hoạch 5 năm Chính phủ cũng đề ra 3 đột phá: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực, và phát triển kết cấu hạ tầng. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh “trong quá trình thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của các nguồn lực từ bên ngoài, đánh giá cao sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài hãy tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam trong việc tháo gỡ các các khó khăn để bình ổn kinh tế vĩ mô tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư”.


Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng chung nhận định, Việt Nam hiện là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, và được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển nhanh chóng. Cơ cấu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có sự chuyển biến, theo hướng chú trọng hơn tới chất lượng vốn. Theo ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, FDI là nguồn lực lâu dài và đã được Chính phủ rất coi trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Trong tương lai, Việt Nam sẽ quyết tâm thu hút nhiều hơn nhưng “sẽ không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà thu hút đầu tư nhưng phải đảm bảo môi trường, thu hút đầu tư theo hướng sử dụng ít năng lượng. Chính phủ sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn, và kết cấu hạ tầng nhằm phát triển hiệu quả hơn nguồn vốn này” – ông Sinh khẳng định.


Đất nước đã bước vào quỹ đạo mới, quỹ đạo phát triển bền vững, với những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp đòi hỏi phải có sự nỗ lực vượt bậc của các ngành các cấp. Hội nghị kinh tế đối ngoại là dịp để Việt Nam đưa ra thông điệp về quyết tâm vượt qua những khó khăn hiện tại, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và cải thiện môi trường đầu tư; giới thiệu về đường lối, những ưu tiên phát triển của Việt Nam.

Quốc Huy
Nguồn: Báo điện tử Công lý