KỲ VỌNG VỀ MỘT CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO VÀ HÀNH ĐỘNG: Đồng hành hỗ trợ nhưng không làm thay thị trường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng DN” sẽ diễn ra vào ngày 17/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết tại buổi họp báo về hội nghị hôm 8/5/2017.

Từ sau hội nghị Thủ tướng với DN lần thứ nhất tổ chức vào năm 2016, số DN thành lập mới đã đạt mức kỷ lục. Và theo các địa phương phản ánh, đến năm 2020 có thể có tới 1,4 triệu DN, vượt xa mục tiêu 1 triệu DN được đặt ra.

Tuy nhiên, để Chính phủ thực sự là người đồng hành, phục vụ DN thì những nỗ lực cần tiếp tục.

Hội nghị năm nay khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, hỗ trợ để DN thực sự là động lực phát triển của đất nước, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35. Hội nghị được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự kiến khoảng 2.000 đại biểu (gấp 4 lần năm 2016) sẽ trực tiếp tham dự hội nghị. Lãnh đạo 63 tỉnh thành sẽ tham gia trực tuyến. 

“Sau khi nghe các ý kiến của DN, các hiệp hội DN tại hội nghị, Thủ tướng sẽ kết luận hội nghị. Trong cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành, cơ quan để xem xét, xử lý kiến nghị của DN nêu và Thủ tướng có chỉ thị cụ thể cho từng cơ quan thực hiện”, ông Hà cho biết. Kết thúc hội nghị cũng sẽ có họp báo công bố chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo VCCI, sau một năm thực hiện Nghị quyết 35, có 75% số DN cho rằng “các bộ ngành, địa phương có sự chuyển biến tương đối tích cực, khoảng 25% số DN cho rằng sự chuyển biến còn hạn chế. Dù còn không ít khó khăn, nhưng đánh giá chung, các DN cho biết kết quả kinh doanh năm 2016 có khởi sắc hơn, niềm tin triển vọng kinh doanh tốt hơn so với 2015. “Có tới 48% DN khu vực tư nhân cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Điều đó cho thấy cảm nhận lạc quan của DN đang tăng lên” – ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết.

Tuy dự cảm của DN cho thấy sẽ đến 1,4 triệu DN nhưng có được con số này thật hay không còn phụ thuộc vào các chính sách, đặc biệt liên quan đến hỗ trợ phát triển từ hộ kinh doanh lên DN (thông qua những sửa đổi về luật thuế, chế độ kế toán…) cũng như diễn biến kinh tế trong và ngoài nước thuận lợi đến mức nào.

Nhớ lại hội nghị năm 2016 có hơn 400 kiến nghị của các DN được gửi lên và đến nay phần lớn đã được các cơ quan Chính phủ xem xét, giải quyết. Những kiến nghị chưa giải quyết được là do chờ sửa luật. 

Trước thềm hội nghị năm nay, DN đã gửi tới 200 kiến nghị, các kiến nghị cũng đã được chuyển đến những cơ quan chức năng để xử lý ngay. Phần lớn kiến nghị năm nay vẫn về cải cách TTHC, tạo môi trường hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh, giảm chi phí kinh doanh cho DN, bảo vệ quyền lợi của DN…

Theo ông Lộc, việc giải quyết các kiến nghị của DN có nhiều tiến bộ, nhưng DN vẫn kiến nghị rất nhiều về chi phí kinh doanh cao, như chi phí về bảo hiểm, logistics… Hoạt động thanh, kiểm tra vẫn gây nhiều bức xúc cho DN. “Vẫn có những DN cho biết năm vừa qua bị thanh, kiểm tra tới 6 – 7 lần” – Chủ tịch VCCI cho biết.

Để thúc đẩy chính phủ kiến tạo, hỗ trợ và đồng hành cùng DN, cần tiếp tục rà soát, cải thiện thể chế KTVM, cần tránh tình trạng các cơ quan nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường. “Hiện đang có tình trạng chúng ta đang hết sức sốt sắng với tăng trưởng, sốt sắng với phát triển DN, phát triển thị trường. Nhưng phải bằng các biện pháp kinh tế, bằng chính sách để thúc đẩy sự phát triển đó, chứ không phải nhà nước lại can thiệp trực tiếp vào. Các biện pháp can thiệp trực tiếp hành chính đối với sự phát triển của thị trường đôi khi sẽ gây ra hậu quả về mặt dài hạn” – ông Lộc khuyến nghị.

Một yêu cầu rất quan trọng đặt ra là không hành chính hóa hệ thống dịch vụ phát triển DN. Ở các địa phương thì dịch vụ hỗ trợ phát triển DN Nhà nước đang làm  chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy “Nhà nước cũng đừng có “nhảy ra làm thay”, hãy để thị trường, các hiệp hội, công ty tư vấn, công ty phát triển thị trường tự làm”, theo VCCI. Việc cần Nhà nước làm cho DN đó là cung cấp  thông tin, hỗ trợ tư vấn, đào tạo, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại… 

“Thời gian qua chúng ta đã khắc phục được nhiều nhưng vẫn còn những rào cản như sự quay lại của giấy phép con…”, TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI  phát biểu. Bà kỳ vọng Chính phủ sẽ mạnh mẽ hơn kiên quyết hơn để các bộ, ngành và địa phương nỗ lực thực sự để tạo dựng một môi trường thể chế kinh doanh an toàn, thuận lợi, chi phí thấp. Theo điều tra của VCCI, trong những năm qua, sự yếu kém của các thiết chế pháp lý trong việc đảm bảo quyền lợi của DN đang là điểm mà các DN quan ngại hàng đầu.

“Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ cũng đã đưa ra những giải pháp khá đồng bộ và toàn diện. Nếu thực hiện được những yêu cầu đó cũng đã rất tốt cho DN phát triển”, bà Hằng phát biểu.

Đỗ Lê
Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/dong-hanh-ho-tro-nhung-khong-lam-thay-thi-truong-62603.html