Lại tăng giá điện từ 1-6, có hợp lý?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Bùi Văn Trường, Trường ĐH Kinh tế TPHCM: “Điều kiện và thời điểm tăng chưa phù hợp”   Tại cuộc họp giao ban tháng 4-2011 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết khả năng điều chỉnh giá điện từ ngày 1-6 là có thể xảy ra vì mặt bằng giá đang tăng. Giá điện điều chỉnh từ ngày 1-6 hoàn toàn phù hợp với Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, vì kể từ lần tăng giá trước (ngày 1-3) là vừa đủ 3 tháng. Nhưng thông tin giá điện sẽ điều chỉnh thực chất là tăng, khi chưa hội đủ điều kiện như Quyết định 24, thời điểm tăng cũng chưa hợp lý.   Bộ Công Thương có đồng ý quyết định tăng giá điện vào 1-6 hay không, đòi hỏi phải có hướng dẫn tính toán giá bán điện theo biến động của thông số đầu vào, để EVN tính toán và đề nghị.   Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trong buổi họp báo ngày 22-4 đã cho rằng: “Chúng tôi đang hoàn thiện bản hướng dẫn tính toán giá bán điện theo biến động của thông số đầu vào này, dự kiến sẽ ban hành vào tháng 5”. Tuy nhiên, đến nay chưa công bố.   Vậy EVN đã tính toán và đề nghị chưa? Và các yếu tố đầu vào khác của giá bán điện, chỉ được xem xét để điều chỉnh giá bán điện cũng đang kiểm toán, nên chưa thể biết chi phí hợp lý ra sao. Có lẽ điều chỉnh (tăng) giá điện có thể xảy ra từ 1-6 vì đáng lẽ ngày 1-3 phải tăng 62% nhưng chỉ tăng 15,8%.   Như lời của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trong buổi họp báo ngày 22-4 đã cho rằng: “Nếu tính đúng, tính đủ thì phải tăng giá điện ở mức 62% (thay vì 15,8%). Điều này có nghĩa là khó tránh khỏi việc tăng giá điện vào 1/6 tới”. Hơn nữa, việc tính đúng tính đủ chi phí khi chưa kiểm toán xong, Bộ Công Thương căn cứ vào cơ sở nào để chi phí tính đúng, tính đủ?   Thời điểm hiện nay khá nhạy cảm đến tâm lý của xã hội bởi chính sách tiền tệ, giá cả thị trường, lạm phát, an sinh. Có chuyên gia cho rằng giá cả nhiều hàng hóa bị tác động của giá nhiên liệu, điện… tăng trong thời gian qua chưa tới điểm dừng.   Ngay cả giá dầu thế giới tăng cao những ngày gần đây, liên bộ Công Thương, Tài chính cũng không đồng ý cho tăng giá xăng dầu trong nước. Khi Chính phủ đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết 11, bắt đầu thực hiện trợ cấp tiền cho người có thu nhập thấp, thông tin “khả năng điều chỉnh giá điện từ ngày 1-6 là có thể xảy ra” không khác gì thêm dầu vào lửa khi dầu chưa hết.   Cũng trong ngày 22-4, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói: “Thời điểm này chưa đủ cơ sở để khẳng định sẽ điều chỉnh giá điện vào 1-6 theo quyết định 24 hay không. Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét, tính toán xem sự điều chỉnh đó có ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, đời sống xã hội hay không”.   Cũng trong buổi họp báo đó, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng; “EVN là một tập đoàn Nhà nước nên ngoài nhiệm vụ kinh tế còn phải đảm nhiệm nhiệm vụ chính trị, vì thế không thể tăng giá điện vào những thời điểm nhạy cảm (…). Cá nhân tôi nghĩ 1-6 không thể tăng giá điện” – ông Tri khẳng định.  
Nhưng chưa đến 2 tuần lễ sau thì Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết khả năng điều chỉnh giá điện từ ngày 1-6 là có thể xảy ra, người ta biết tin vào đâu?   Ông Ngô Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty May Sài Gòn 2: “Người dân và doanh nghiệp sẽ ngộp!”   Trong tình hình chỉ số giá tiêu dùng đang ở mức cao như hiện nay mà giá điện tăng thêm, giá xăng tăng thêm… sẽ gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp vì chi phí đầu vào tăng. Thực tế, nếu để doanh nghiệp điện chịu lỗ, bán dưới giá thị trường thì cũng không hợp lý nhưng Nhà nước nên chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp lúc này.   Còn trong trường hợp không thể bù lỗ thêm cho ngành điện mà phải tăng giá thì nên có lộ trình và tăng trong mức độ vừa phải thay vì tăng liên tục. Đợt tăng hơn 15% từ ngày 1-3 và sắp tới (ngày 1-6) tiếp tục tăng nữa thì “ào ạt” quá, sẽ khiến doanh nghiệp và người dân bị “ngộp”.    Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển: “Chưa nên!”
Đưa giá điện về giá thị trường là đúng bởi Nhà nước không thể bao cấp, bù lỗ cho ngành điện trong thời gian quá dài. Thực tế, Nhà nước dùng ngân sách để bù lỗ cho ngành điện cũng là từ tiền thuế của người dân.  
Nhưng tại thời điểm này, khi lạm phát đang ở mức cao và mặt bằng giá mới hình thành trong tháng qua đang quá sức chịu đựng của người dân thì chưa nên tiếp tục tăng giá điện.   Lạm phát còn ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý khi người bán hàng cố tình đẩy giá lên cao để “trừ hao”. Với những chính sách kinh tế vĩ mô đang áp dụng quyết liệt, dự kiến lạm phát sẽ giảm dần vào cuối năm và lãi suất từ đó cũng giảm theo – kéo áp lực lãi suất cho vay, mặt bằng giá cả đi xuống.
Vì thế, trong khi chờ đợi các chính sách vĩ mô phát huy hiệu quả, Nhà nước nên tìm phương án hỗ trợ cho ngành điện mà tôi cho rằng chỉ cần hỗ trợ thêm 1 – 2 quý cho đến khi tình hình kinh tế bớt căng thẳng hơn. Khi đó, tăng giá điện theo giá thị trường sẽ khiến người dân dễ chấp nhận hơn.

D.Quang – T.Phương (ghi)
Nguồn: Báo Người Lao động