Lạm phát và thách thức phát triển
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các nhà hoạch định chính sách, giới doanh nhân, các nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức phát triển và các tổ chức xã hội dân sự… tham gia Hội nghị đã hướng các mối quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững tại Việt Nam, trong đó có lạm phát cao.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong giai đoạn 2001-2010, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm, thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được hoàn thiện, quy mô nền kinh tế tăng gấp 3,3 lần so với năm 2000. Việt Nam cũng thực hiện thành công hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt trong xóa đói giảm nghèo, nhiều tiến bộ trong giáo dục, tạo công ăn việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng lưu ý, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; các cân đối vĩ mô chưa vững chắc; thể chế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là điểm nghẽn cản trở phát triển. Bên cạnh đó là thách thức thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển với các nước trong khu vực; là sự bắt kịp và vượt qua bẫy thu nhập trung bình…

“Cơ sở hạ tầng Việt Nam tất cả đều quá tải”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. Đầu tư cho ngành điện mỗi năm đều trên 10% tổng đầu tư toàn xã hội nhưng chưa đáp ứng được, Phó thủ tướng cho biết, dự kiến năm nay thiếu khoảng 3 tỷ KWh điện nhưng do điều kiện thời tiết thuận lợi hơn, điều chỉnh giá tháng khiến cầu điện giảm nên năm nay còn thiếu chỉ khoảng 1 tỷ KWh.

Trong khi đó, giao thông đô thị, cảng, sân bay… vô cùng thiếu; hạ tầng y tế, giáo dục cũng đòi hỏi đầu tư rất lớn. Dự kiến giai đoạn 2011-2015, Việt Nam cần khoảng 300 tỷ USD cho đầu tư phát triển.

Trong phần phát biểu của mình, chuyên gia kinh tế từ ADB, Kenichi Ohno, chia sẻ nhìn nhận của Phó thủ tướng: “Việt Nam vẫn cứ tăng trưởng trên năng suất và đổi mới, rất cần tích lũy tri thức, công nghệ và Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước Đông Á”.

Đề cập đến thách thức đối với Việt Nam, ông Kenichi Ohno cho rằng, Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào lắp ráp đơn giản với lao động không có kỹ năng. “Các ngành công nghiệp sẽ rút khỏi Việt Nam khi mức lương tăng lên và hội nhập ngày càng sâu rộng… Không tạo ra được giá trị trong nước, Việt Nam chắc chắn sẽ gặp phải bẫy thu nhập trung bình”, ông Kenichi Ohno khẳng định.

Đối chiếu với 7 điều kiện của chính sách công nghiệp chủ động, ông Kenichi cho rằng, Việt Nam hiện nay đang rất thiếu cấu trúc chính sách chặt chẽ; phối hợp giữa các bộ kém; thiếu sự tham gia của các bên liên quan.

Ông Kenishi cũng nhấn mạnh, phát triển công nghiệp phụ trợ chỉ nên là một phần trong quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam, cần có những chính sách khác để đạt mục tiêu công nghiệp hóa.

Nói về công nghiệp hỗ trợ, Phó thủ tướng nêu, từ khi đổi mới đến nay công nghiệp hỗ trợ đã phát triển rất đáng kể. “Không có thì nhập siêu không biết lớn đến cỡ nào”, ông nói.

Các ví dụ minh họa là xi măng từ nhập khẩu nay đã xuất khẩu; thép bước đầu đáp ứng thị trường; phân đạm đã đáp ứng 40%, tiến tới đáp ứng 100% và có xuất khẩu; dệt may đáp ứng 40%; da giày 25%… Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp và định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ sang những ngành có giá trị gia tăng cao hơn.

“Không thể đưa người nông dân thẳng vào các nhà máy công nghệ cao, trong khi chúng ta còn đang phát triển giáo dục đào tạo. Cần phải có lộ trình, vẫn phải đảm bảo việc làm cho khoảng 1,6 triệu người mỗi năm… Bao giờ thu hút đầu tư nước ngoài cũng phải đi từ thấp đến cao”, Phó thủ tướng nói.

Đề xuất một số vấn đề Việt Nam cần giải quyết, ông Kenichi cho hay: “Việt Nam có quá nhiều ưu tiên, cũng có nghĩa là không có ưu tiên nào. Cần có chính sách ưu tiên hợp lý và có nguồn lực cho nó và cần có cơ quan giám sát quá trình này”.

Liên quan đến ưu tiên phát triển trong thời gian tới, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng cho rằng, vốn đầu tư không thể trông chờ vào ODA, FDI… và đầu tư đó không chiếm tỷ lệ lớn được. “Vừa qua đã mở nhiều mô hình đầu tư mới, như BOT, PPP… bản chất là phối hợp nhà nước và tư nhân đầu tư hạ tầng”, ông nói.

Về lựa chọn hướng đầu tư vào năng lực động hay tĩnh, đại diện cao nhất của Chính phủ tại Hội nghị cho rằng, vẫn phải tập trung vào cả hai. “Chúng ta cũng biết là cần đầu tư nhiều vào hạ tầng xã hội thì mới xuất hiện đầu tư động. Ví dụ nông nghiệp chúng ta vẫn đầu tư lâu nay, tiềm năng vẫn lớn. 50% còn là chế biến thô, xuất khẩu thô, người dân chưa làm giàu được dù năng suất đã nâng cao…”, ông nói.

“Đầu tư tĩnh đó cần tiếp tục nâng cao phần giá trị gia tăng, khu vực nông nghiệp từ 70-80% đã giảm xuống 40%, sắp tới chỉ còn 30%, tỷ trọng có thể giảm trong GDP nhưng giá trị gia tăng sẽ tăng lên”, ông Hải khẳng định.

Cũng tại Hội nghị, nhiều mối quan tâm được đặt ra, liên quan đến các ổn định vĩ mô, đặc biệt là lạm phát tại Việt Nam. Ngay sau khi Quốc hội khóa 12 thông qua chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2011, đến cuối tháng 4, lạm phát đã đạt gần 10% (CPI tháng 4/2011 so với cuối năm 2010).

Khẳng định chỉ tiêu lạm phát đến nay chưa điều chỉnh, tuy nhiên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, kiềm chế lạm phát đang là mục tiêu rất khó khăn.

Cho biết thêm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc lưu ý, năm 2011 mục tiêu hàng đầu là chống lạm phát. “Chúng tôi phấn đấu lạm phát năm nay xấp xỉ năm 2010, khoảng 11,75%. Dĩ nhiên những tháng còn lại rất căng thẳng và chính phủ phải có nhiều nỗ lực”, ông Phúc nói.

Đề cập đến chính sách tiền tệ nhằm khống chế tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực phi sản xuất , Thống đốc Nguyễn Văn Giàu  cho biết, tại thời điểm ban hành Nghị quyết 11, dư nợ phi sản xuất chỉ chiếm 18,7%. “ Đưa xuống 16% cuối năm nay, tất nhiên có thể có dự án có khó khăn, nhưng theo chúng tôi không có vướng mắc lớn”, ông khẳng định.

Bên cạnh mục tiêu kiềm chế lạm phát như là ưu tiên hàng đầu trong năm nay, Bộ trưởng Phúc cũng đề cập đến tăng trưởng ở mức hợp lý. Ông cho biết, dự báo tăng trưởng GDP năm nay ước khoảng 6,5%, thấp hơn so với năm 2010.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online