“Lách luật” do đâu?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Điều đáng chú ý của năm 2011 này là trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% thì mức lãi suất cho vay bình quân thực tế hiện nay cũng khoảng 20%/năm.

Điều đó có nghĩa, nếu giả sử toàn bộ các khoản vay đến cuối năm 2010 được cố định nợ gốc, và các tổ chức tín dụng (TCTD) phải giải ngân mới để khách hàng trả nợ lãi (do lãi suất quá cao mà khách hàng không có khả năng thanh toán) thì số tiền lãi này sẽ gần bằng chính hạn mức tăng trưởng tín dụng, khi đó chỉ một số lượng rất nhỏ tín dụng mới được đưa thêm vào nền kinh tế.

Đây chỉ là một giả sử để tính toán, tuy nhiên qua trao đổi với vài đồng nghiệp ở một số ngân hàng về tình trạng đảo nợ, câu trả lời gần như thống nhất với nhau là: “Thời điểm này mà ngân hàng không đảo nợ mới là chuyện lạ”! Do đó, có thể nói rằng một phần dư nợ tăng thêm của năm nay chính là để trả lãi, điều đó khiến hạn mức 20% tăng trưởng càng trở nên hạn hẹp. Đứng trên góc độ của các ngân hàng, hạn mức tăng trưởng này là thấp, rất thấp.

Mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác đầu tư dễ vậy sao?

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm các mục đích thực hiện dự án kinh doanh, tăng quy mô vốn hay nhằm mục đích cơ cấu lại các khoản vay trung dài hạn thì đây thực chất là các khoản vay nợ của doanh nghiệp. Mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là một hoạt động bình thường của ngân hàng thương mại (NHTM) như bao nghiệp vụ khác, và về bản chất đây là một nghiệp vụ cấp tín dụng (dù NHNN không xem việc mua TPDN là một nghiệp vụ cấp tín dụng).

Sở dĩ doanh số mua TPDN của các NHTM hiện còn cao là do chỉ mới gần đây, Luật các TCTD 2010 mới xét dư nợ mua TPDN cũng nằm trong giới hạn cấp tín dụng nên các TCTD chưa kịp điều chỉnh, trước đó mảng này hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Từ trước đến giờ, nghiệp vụ này của các NHTM không thật sự phát triển, không nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức này để huy động vốn dù điều kiện phát hành TPDN theo Nghị định số 52/2006/NĐ-CP và Luật Chứng khoán 2006 là khá đơn giản. Có lẽ vì thấy hoạt động này không được các ngân hàng chú trọng nên NHNN đã không có những quy định cụ thể để điều chỉnh . Đến nay, khi NHNN phát hiện ra thì có thể xem như là đã chậm.

Ủy thác đầu tư cũng vậy, Luật các TCTD 1997 và 2010 cũng chỉ dành đúng một điều với vài dòng để nói về nghiệp vụ này. Từ trước đến nay, NHNN cũng chỉ điều chỉnh hoạt động ủy thác và nhận ủy thác cho vay (Quyết định 742/2002/QĐ-NHNN), còn các loại ủy thác khác thì hoàn toàn không đề cập. Đến những ngày vừa qua, số liệu ủy thác đầu tư được công bố cho thấy là các NHTM đã đi rất xa và “rất đúng luật” trong hoạt động này. Một lần nữa NHNN bị tụt lại phía sau so với các NHTM trong chính những hoạt động do NHNN quy định, quản lý.

Vấn đề đặt ra là khi các NHTM đẩy mạnh nghiệp vụ ủy thác đầu tư, mua TPDN như vậy thì các tỷ lệ bảo đảm an toàn có bị ảnh hưởng không, đặc biệt là khi có ngân hàng có doanh số của hoạt động này chiếm tỷ lệ tới 80% so với dư nợ cho vay?

Ngoài quy định về giới hạn cấp tín dụng có tính cả doanh số đầu tư TPDN như đã đề cập (khoản 4 điều 128 Luật các TCTD 2010) thì NHNN không có hạn chế nào cho các loại hình này. Lẽ tất nhiên, việc mua TPDN hay ủy thác (trừ ủy thác cho vay) đều không được coi là hoạt động cấp tín dụng nên quy định về tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động không có tác dụng gì trong việc hạn chế các hoạt động này. Vì đây là những khoản đầu tư có hệ số rủi ro quy đổi khá thấp nên không ảnh hưởng lắm đến tỷ lệ an toàn vốn – CAR của ngân hàng.

Còn đối với việc trích lập dự phòng giảm giá cho các khoản đầu tư TPDN thì sao? Một trong hai điều kiện để trích lập dự phòng tổn thất đối với các khoản đầu tư TPDN theo Thông tư 228/2009/TT-BTC (dùng chung cho cả doanh nghiệp và TCTD đối với trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán) là “được tự do mua bán trên thị trường mà tại thời điểm kiểm kê, lập báo cáo tài chính có giá thị trường giảm so với giá đang hạch toán trên sổ kế toán”. Điều dễ nhận thấy là hầu hết các khoản đầu tư TPDN của các NHTM hiện nay đều không đáp ứng yêu cầu trái phiếu được mua bán tự do trên thị trường, vì vậy cũng không có cơ sở để xác định trái phiếu có giảm giá hay không để trích lập dự phòng.

Xử lý theo hướng nào?

Nhiều tờ báo đưa tin NHNN sẽ xử lý các NHTM vi phạm quy định về ủy thác đầu tư và mua TPDN. Cũng xin được giải thích rằng, không có cách nào xử lý công khai cả vì NHNN không hề có một quy định cụ thể nào về các khoản đầu tư này. Nhiệm vụ của NHNN bây giờ là nhanh chóng xây dựng khung pháp lý cho các hoạt động này theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn, bởi đây thực chất là những khoản đầu tư rất rủi ro; hơn nữa phát triển các hoạt động này sẽ bóp méo hoạt động tín dụng. Dồn vốn cho các hoạt động này sẽ có nguy cơ dòng vốn tập trung vào một số đối tượng, bởi các hoạt động này chỉ dành cho doanh nghiệp, mà không phải doanh nghiệp nào cũng phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Cấm các loại hình này, tất nhiên là không thể vì như thế là trái luật; hay quy định một tỷ lệ tối đa so với vốn tự có, hay một tỷ lệ tối đa so với tổng dư nợ tín dụng như cách vẫn đang làm với cho vay chứng khoán và tín dụng phi sản xuất. Tuy nhiên, điều mấu chốt là khi quy định về các hoạt động này, NHNN xem các khoản đầu tư này có mức độ rủi ro ra sao? Bởi lẽ nếu NHNN cho rằng các khoản đầu tư này có rủi ro thấp, thì không cần phải hạn chế, nếu vì mục tiêu kiềm chế lạm phát thì chỉ cần một quyết định để hạn chế mang tính thời điểm; còn nếu đây là một hoạt động mang tính rủi ro cao thì cần một văn bản pháp quy để kiểm soát lâu dài.

Ngặt nỗi, đến giờ này NHNN vẫn không cho rằng các khoản đầu tư này có tính rủi ro cao, bằng chứng là trong dự thảo về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD đang được lấy ý kiến để thay thế Thông tư 13, hệ số rủi ro để tính CAR của các khoản này vẫn không thay đổi (50 hoặc 100%).

Hoạt động của TCTD nói chung và NHTM nói riêng là do NHNN quy định. Luật cũng đã ghi rõ là TCTD chỉ được thực hiện các nghiệp vụ được liệt kê trong giấy phép do NHNN cấp. Mười điều về hoạt động của NHTM trong Luật các TCTD 2010 nhìn chung đều là những hoạt động truyền thống của ngành ngân hàng, nhưng rất nhiều trong số này vẫn chưa được NHNN hướng dẫn. Nếu vẫn như vậy, không loại trừ khả năng, sau khi xử lý xong vấn đề ủy thác đầu tư và mua TPDN của các NHTM lần này, NHNN lại phải chạy theo kiểm soát những hoạt động “biến tướng” khác của hệ thống các TCTD.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online