Lãi suất có thể giảm, nhưng…
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lãi suất giảm được…

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong những trả lời báo chí gần đây khẳng định rằng hiện đã có đủ các cơ sở để lãi suất có thể giảm được, trong đó có việc thanh khoản của các ngân hàng đang ổn định và mặc dù các ngân hàng đang có vốn nhưng tăng trưởng tín dụng gần như không đáng kể trong tháng 7, tức các ngân hàng sẽ phải giảm lãi suất để có thể cho vay. Ông Bình cho rằng lãi suất cho vay tiền đồng có thể giảm xuống từ 17%- 19% từ tháng 9.

Những điều ông Bình nói cũng được các ngân hàng xác nhận. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TPHCM cho biết hiện tại các doanh nghiệp đang làm ăn rất khó khăn nên nhu cầu vay vốn không còn nhiều, lãi suất cho vay tại ngân hàng ông chỉ còn 19,5%/năm nhưng giải ngân vẫn khá chậm.

Trong khi đó, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TPHCM cho biết dư nợ cho vay của ngân hàng ông hiện nay đang giảm so với đầu năm do doanh nghiệp làm ăn khó khăn và không muốn vay tiền ngân hàng, trong khi cho vay phi sản xuất đang bị hạn chế nhiều. Ông cho biết hiện các doanh nghiệp đang khó khăn thực sự, nhiều doanh nghiệp đơn hàng ít đi và hàng tồn kho thì tăng lên nên trễ hẹn trong trả nợ và lãi vay.

“Ngân hàng bây giờ đang phải đi kiếm khách hàng tốt để cho vay. Trong tình hình ít khách hàng vay, tôi nghĩ sắp tới ngân hàng cũng phải thương lượng giảm bớt lãi suất để chiều lòng khách hàng. Như vậy, việc giảm lãi suất cho vay có thể được”, vị này nói.

Vị này cũng cho biết hiện lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã khá ổn định, chỉ còn xoay quanh mức 15%-16%/năm, thấp hơn lãi suất mà ngân hàng đang thỏa thuận với khách hàng. “Khách hàng lớn đòi 18% thì tôi còn miễn cưỡng chấp nhận, chứ đòi đến 19%/năm thì tôi cho rút luôn. Vay liên ngân hàng 3 tháng bây giờ chỉ có 16,1%/năm. Ngân hàng tôi cũng đang giảm dần các khoản huy động lãi suất quá cao”, vị này nói.

Một vài ngân hàng đã có các chương trình giảm nhẹ lãi suất vay tiền đồng cho khách hàng. Bắt đầu từ tháng 7-2011, Ngân hàng Phát triển nhà TPHCM (HDBank) đã triển khai chương trình “Cho vay ưu đãi doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ” dành cho khách hàng phục vụ ngành sản xuất lắp ráp ô tô, lắp ráp xe máy, thiết bị điện tử tin học, thiết bị gia dụng, cơ khí – chế tạo máy, dệt may, da giày với lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn từ 1% – 4%/năm so với biểu lãi suất cho vay thông thường của ngân hàng.

Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng công bố chương trình tín dụng đặc biệt “Tiếp vốn kinh doanh, ưu đãi lãi suất” dành cho khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Chương trình áp dụng cho các khoản vay được giải ngân từ ngày 1-8 đến hết ngày 31-12-2011 và không giới hạn số lần giải ngân. ACB giảm lãi suất 1,2%/năm cho các khoản vay từng lần hoặc hạn mức tín dụng từ 500 triệu đồng trở lên (đối với khu vực TPHCM và Hà Nội) hoặc từ 300 triệu đồng trở lên đối với các tỉnh, thành phố khác.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đối với nền kinh tế đến 20-7 ước giảm 0,19% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng tiền đồng giảm đến 0,88% trong khi cho vay bằng ngoại tệ tăng 1,96%. So với cuối năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 7,57%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể lên đến 20%.

… nhưng không giảm nhiều

Mặc dù các căn cứ để lãi suất cho vay có thể giảm được đã có sẵn, nhưng trên thực tế lãi suất vẫn chưa thể giảm nhiều được vì lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng vẫn đang cao. Nói như ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, thì các ngân hàng vẫn đang còn nhìn nhau để chờ ngân hàng khác giảm trước rồi mới tới mình.

Giới ngân hàng nói với nhau có một ngân hàng thuộc loại lớn trên thị trường đã tiên phong giảm lãi suất huy động thỏa thuận xuống còn 17,5%/năm, lập tức các khách hàng lớn rút tiền liền, và thế là ngân hàng này tăng lãi suất thỏa thuận lên 18,3% trở lại.

Ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HDBank, cho rằng về lý thuyết các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay được vì ngân hàng hiện nay không thiếu vốn, tuy nhiên vấn đề là làm thế nào cân bằng lãi suất đầu vào và đầu ra. Hiện nay ngân hàng nào cũng sợ mất khách nên vẫn phải duy trì lãi suất mức lãi suất huy động thỏa thuận cao.

Giám đốc phòng giao dịch của một ngân hàng quốc doanh cho biết các doanh nghiệp của ông cũng than lãi suất cao quá không vay nổi, nhưng lãi suất huy động thì vẫn chưa hạ được để còn giữ khách. Hiện tại ngân hàng ông, với số vốn khoảng 100 triệu đồng thì có thể nhận lãi suất 16%/năm, còn hơn thì có thể có lãi suất 17%-18%/năm.

Ông cho rằng lãi suất sẽ phải giảm xuống để khách hàng vay nhưng mức giảm theo ông cao lắm cũng chỉ được 19%/năm từ mức 20%-21%/năm hiện nay đối với doanh nghiệp.

Tổng giám đốc một ngân hàng tại TPHCM cũng cho rằng nếu ngân hàng ông giảm lãi suất thì tối đa cũng sẽ còn 19%/năm, chứ chưa thể giảm hơn được mặc dù mức này vẫn là quá sức đối với doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh cung tiền cho các ngân hàng thông qua nghiệp vụ thị trường mở nhằm ổn định lãi suất đầu vào ở mức 14%/năm thì ngân hàng mới có thể giảm lãi suất đầu ra được.

Trả lời báo chí, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lý để vốn thị trường 2 (giữa các ngân hàng) có thể liên thông với thị trường 1 (thị trường huy động của dân cư) giúp điều hòa được vốn giữa các tổ chức tín dụng và lãi suất có khả năng giảm.

Tuy nhiên, tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế Fitch mới đây đã cảnh báo có thể đánh tụt hạng tín nhiệm Việt Nam nếu có những động thái đi ngược lại với cam kết thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa đã đề cập trong Nghị quyết 11, để lạm phát vẫn tiếp tục cao.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online