Lãi suất cao, thêm gánh nặng cho doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lãi suất thỏa thuận đến 20%

Hiện nay, lãi suất cho vay thỏa thuận bao gồm: cho vay trung và dài hạn, cho vay ngắn- trung và dài hạn đối với nhu cầu vốn để phục vụ đời sống, cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng (cho vay tiêu dùng)… Việc áp dụng lãi suất thỏa thuận mở rộng ra các khoản vay được các ngân hàng trên địa bàn Gia Lai triển khai những ngày qua.

Tại Chi nhánh SHB Gia Lai, áp dụng mức trần đối với các khoản vay trung và dài hạn là 16%/năm (lãi suất cơ bản là 12%). Đây là mức thấp so với mặt bằng chung của các ngân hàng và vẫn thấp hơn mức quy định không vượt quá 150% lãi suất cơ bản Ngân hàng Nhà nước quy định.

Cùng thời điểm này, các ngân hàng thương mại cổ phần khác như Techcombank, Dầu khí, An Bình, Sacombank… cũng áp dụng tương tự, có ngân hàng tăng lãi suất lên đến 18%/năm. Một cán bộ tín dụng Chi nhánh Sacombank cho biết, các khoản trung dài hạn đầu tư cho sản xuất kinh doanh áp dụng theo thỏa thuận tùy theo mục đích sử dụng và sau 3 tháng điều chỉnh lãi suất một lần dựa trên quy định. Còn với khoản trung- dài hạn với mục đích cho vay tiêu dùng thì áp dụng 18%.

Nhiều khách hàng có nhu cầu vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại dè dặt bởi lãi tăng cao quá, trong khi nhu cầu về vốn đang rất cần. Đối với khách hàng vay tiêu dùng có thế chấp như mua xe, xây nhà… cũng trong tình trạng “dở khóc, dở cười”, bởi lãi suất đã được ngân hàng phát đi tăng từ 12%/năm lên đến 20,4%/năm!

Gánh nặng cho người vay

Trong khi các ngân hàng kỳ vọng với cơ chế thỏa thuận lãi suất mới thì nhiều doanh nghiệp lại lo lắng bởi chi phí vốn bị đẩy lên cao, giá thành sản xuất kinh doanh tăng. Các doanh nghiệp đều có chung nhận định khó có thể mở rộng đầu tư trong giai đoạn này. Song, về lâu dài họ cũng sẽ chấp thuận vay vốn thỏa thuận để duy trì và mở rộng hoạt động.

Ngoài việc tính toán, lựa chọn dự án khả thi mang lại hiệu quả, doanh nghiệp còn thắt chặt mọi chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ mức thấp nhất, tăng khả năng cạnh tranh. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp phụ thuộc vào ngân hàng rất lớn, khoảng 30% là vốn tự có, còn lại 70% là đi vay. Theo đó, khi lãi suất tăng, nhiều doanh nghiệp có vốn vay lớn bị đội chi phí lên rất cao.

Với khoản vay tiêu dùng, lãi đã lên mức 20%/năm, thì người vay coi như trả nợ “đuối”. Chị Xuân Thủy (TP. Pleiku)- một khách hàng đang có quan hệ tại Chi nhánh Ngân hàng Dầu khí cho biết, cách đây nửa năm chị có vay 100 triệu đồng để làm nhà. Hợp đồng cho vay tiêu dùng (trung- dài hạn) thời điểm ký là 1%/tháng theo phương thức lãi suất thả nổi. Mới cách đây không lâu, ngân hàng thông báo tăng lãi đến 1,7%/tháng (tương đương 20,4%/năm). Lãi phải trả hàng tháng tăng từ 1 triệu đồng lên 1,7 triệu đồng theo lãi suất hiện hành, như vậy là phải trả gần gấp đôi. Thực tế, đối với những khách hàng vay tiêu dùng đang còn dư nợ vẫn “bấm bụng” quan hệ với ngân hàng, chứ hầu như rất ít khách hàng vay tiêu dùng món mới.

Nguồn: Báo điện tử Công thương