Lãi suất cho vay đã quá sức chịu đựng doanh nghiệp?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bao nhiêu là quá sức?

Đồng thời, như nhiều ngân hàng khác, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở ACB cũng chậm chạp và hầu như đứng im. Ngoài việc tăng trưởng cho vay khó đạt cao vì ngân hàng đang gặp khó khăn thanh khoản, ông Lý Xuân Hải cho rằng, đối với nhiều doanh nghiệp, vốn cũng đang gặp nhiều khó khăn, thì lãi suất dần gia tăng đến ngưỡng doanh nghiệp khó thể gánh chịu, và cũng là lý do khiến tốc độ tín dụng chậm lại.

Ở mức lãi suất thoả thuận 17 – 18%/năm phổ biến trên thị trường hiện nay, doanh nghiệp có dự án khả thi và mức lợi nhuận cao thì mới tìm đến ngân hàng. “Mức lãi suất cho vay 17 – 18% hãy còn trong giới hạn chịu đựng của doanh nghiệp, nhưng nếu vượt cao hơn, tôi cho rằng họ khó có thể chịu đựng hơn”, ông Hải nói.

Theo ông, qua theo dõi các năm 2002 – 2007, thời điểm nền kinh tế ổn định và các doanh nghiệp kinh doanh tương đối tốt, các doanh nghiệp Việt Nam thường có 1 đồng thì đi vay 2 đồng (tỷ lệ vay/vốn khoảng 2 lần). Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm trong khoảng 25 – 30%. Lãi suất vay tổ chức tín dụng vào thời kỳ đó từ 12 – 14%/năm. Như vậy, nếu lãi suất vay tăng 5 – 6% lên 18 – 19% sẽ làm ROE giảm xuống còn khoảng 15 – 18%, tương đương lãi suất huy động. Điều này làm tăng rủi ro hoạt động, ảnh hưởng đến lợi nhuận, các doanh nghiệp không còn hứng thú đầu tư mở rộng mới. Thay vào đó, họ có tiền sẽ đem gửi tiết kiệm, vì hiệu quả như nhau mà rủi ro thấp hơn nhiều.

Theo ThS Đào Trung Kiên, giảng viên khoa ngân hàng đại học Kinh tế TP.HCM, với mức lãi suất đi vay 18%/năm, nhìn chung các doanh nghiệp phải có tỷ suất lợi nhuận khoảng 25% mới bù đắp được chi phí sử dụng vốn. Giả sử lãi suất cao hơn mức trên, doanh nghiệp sẽ lại lao đao như hồi năm 2008, ông nói.

Lãi suất cho vay sẽ giảm

Theo báo cáo chiến lược đầu năm nay của công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), năm 2010 các doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí lãi vay cao hơn 63% so với chi phí lãi vay của 273,16 ngàn tỉ đồng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất mà các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân được hưởng trong năm 2009. Với mức hỗ trợ lãi suất bình quân là 4%, với số dư nợ này, các doanh nghiệp phải trả lãi khoảng 21,8 ngàn tỉ đồng/năm (lãi suất 8%). Trái lại, với mức lãi suất thị trường hiện tại là 13%/năm thì các doanh nghiệp sẽ phải trả lãi 35,5 ngàn tỉ đồng (ở mức lãi suất cho vay thương mại thông thường). Và nếu lãi suất cơ bản tăng lên 9% vào cuối quý 1 thì chi phí lãi vay sẽ là 38,2 ngàn tỉ đồng.

Điều đáng mừng là thanh khoản đã được cải thiện. Theo ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng vào tuần trước bình quân ở mức 7,44%/năm, giảm mạnh so với mức 10,69% ở tuần gần cuối tháng 12.2009, và so với mức 9,37% tuần đầu tháng 2. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, lãi suất cho vay thoả thuận cách đây một tuần khoảng 12 – 14%/năm đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, khoảng 15 – 17%/năm đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Đây là tác động tích cực. Theo ông Lý Xuân Hải, chi phí vay vốn của doanh nghiệp hiện nay không tăng mà có xu hướng giảm đi so với ba – bốn tháng trước, lúc thị trường thiếu hụt thanh khoản hơn hiện nay. “Bây giờ, ACB có thể cho vay doanh nghiệp ở mức 15 – 16%/năm, chứ lúc trước khó có thể ở mức này”, ông nói.

Dù vậy, ngân hàng vẫn khó tăng cho vay ra nếu không huy động được như các số liệu công bố gần đây. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu ngân hàng Nhà nước sắp tới dỡ bỏ quy định trần lãi suất huy động, thì lãi suất huy động sẽ tăng lên, nhưng lãi suất cho vay có thể sẽ giảm xuống, chênh lệch cho vay và huy động khoảng 3,5 – 4% là mức đảm bảo ngân hàng kinh doanh có lời. Nhiều người trông đợi vào cuộc họp mới đây giữa hiệp hội Ngân hàng Việt Nam với đại diện các ngân hàng, mà theo giới thạo tin, sau cuộc họp này, họ sẽ có kiến nghị bỏ lãi suất huy động trần hiện nay.

Hồng Sương
Nguồn: Báo điện tử Sài Gòn tiếp thị