Lãi suất cơ bản: Chiếc áo không vừa
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Việc dựa vào lãi suất cơ bản để ấn định trần lãi suất trong gần 2 năm qua đã không phản ánh được mối quan hệ cung cầu về vốn trên thị trường tiền tệ.

Ngày 16.5.2008, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 16 xác định cơ chế điều hành lãi suất cơ bản tiền đồng, nhằm giúp thị trường tiền tệ ổn định sau một thời gian dài chạy đua lãi suất. Từ đó đến nay, vấn đề lãi suất cơ bản luôn được đưa ra mổ xẻ.

Bài toán thanh khoản

Cho đến nay, một câu hỏi lớn vẫn chưa có lời giải đáp là tình trạng thiếu thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Lần bơm vốn ra thị trường gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước là vào ngày 6.1 với khoảng 15.000 tỉ đồng, nhằm tái cấp vốn trực tiếp cho các ngân hàng thương mại bị thiếu hụt thanh khoản tạm thời. Điều này cho thấy khủng hoảng về thanh khoản trong hệ thống ngân hàng là có thực. Theo lý giải của Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, khi một nền kinh tế bắt đầu phục hồi thì nguồn vốn sẽ trở nên khan hiếm.

Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách liên tục của Ngân hàng Nhà nước cũng là một nguyên nhân chính khiến các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Đầu năm 2009, Ngân hàng Nhà nước bắt buộc các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay vốn để kích thích tăng trưởng kinh tế. Đến giữa năm, khi có biểu hiện cho thấy tăng trưởng tín dụng nóng và lo ngại lạm phát, cơ quan này lại chủ trương thắt chặt tín dụng. Lúc đó, các ngân hàng đã đẩy lượng tài sản của mình lên rất cao (mở rộng quy mô, đầu tư tài chính…). Chủ trương siết chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đặc biệt đánh vào tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán và bất động sản. Đây lại là những hoạt động mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng. Trong bối cảnh đó, tiền gửi vào ngân hàng trở nên ít đi. Điều này đã lý giải phần nào tình trạng khó khăn về vốn của các ngân hàng.

Theo Giáo sư – Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM, việc bơm vốn cho các ngân hàng thương mại là nghiệp vụ bình thường của một ngân hàng trung ương (bơm tiền ra và hút tiền vào) để cải thiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, việc bơm tiền ra lưu thông, dù ít hay nhiều, cũng tác động đến lạm phát, đẩy giá cả tiêu dùng tăng lên. Từ đó, buộc các ngân hàng phải chạy đua với lãi suất huy động nhằm bắt kịp tâm lý lo ngại lạm phát gia tăng của người gửi tiền. Điều này đẩy chi phí vốn của các ngân hàng lên cao, khiến thanh khoản thêm căng thẳng.

Có một lý giải đáng chú ý của Tiến sĩ Phan Minh Ngọc (Đại học Kyushu, Nhật Bản) về những biến động tỉ giá và lãi suất trên thị trường tiền tệ thời gian qua. Tại sao lại xảy ra cơn sốt USD vừa qua và tại sao lãi suất tiết kiệm lại tăng lên như hiện nay? Theo ông, cũng không khó hiểu nếu biết được nguyên nhân nội tại của nó. Chênh lệch tổng thu ròng vốn và lãi tiền gửi tính theo 2 đồng tiền trong thời gian qua đã ở mức âm và dự đoán sẽ tiếp tục ở mức âm hơn nữa trong thời gian tới. Bởi lẽ, lạm phát của Việt Nam sẽ có nhiều khả năng cao hơn Mỹ, đặc biệt khi Mỹ tiếp tục nâng lãi suất làm cho khoảng cách lãi suất USD trong nước với lãi suất tại Mỹ càng tăng lên.

Người gửi tiết kiệm bằng tiền đồng sẽ đòi hỏi ngân hàng thương mại phải nâng lãi suất tiền đồng lên tương ứng, sao cho tổng vốn và lãi ròng thu được khi đến hạn phải bằng với khoản thu từ việc gửi tiết kiệm bằng USD. Do áp lực này, các ngân hàng buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất tiền đồng (chưa kể là tăng lãi suất USD sao cho theo kịp với biến động của lãi suất ở Mỹ). Nếu không, người gửi tiết kiệm sẽ rút tiền đồng, chuyển sang gửi bằng USD để vừa bảo toàn vốn vừa có lãi ròng cao hơn, hoặc đem USD đầu tư vào các kênh khác, thậm chí mang ra nước ngoài.

 

Câu chuyện lãi suất cơ bản

Khi thanh khoản của ngân hàng gặp vấn đề, người ta lại nghĩ ngay đến chuyện giữ hay không giữ lãi suất cơ bản. Nhìn lại thời điểm tháng 5.2008, khi Quyết định số 16 chấm dứt cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động tín dụng thương mại bằng tiền đồng ra đời, gần như lập tức thị trường tiền tệ đã trật tự trở lại. Lãi suất huy động và cho vay được ổn định, tình trạng rút vốn khỏi ngân hàng này gửi sang ngân hàng kia để hưởng mức lãi suất cao hơn cũng giảm mạnh.

Tuy nhiên, quyết định ban hành trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy một số điểm bất hợp lý. Ông Nghĩa, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhận xét: “Điều 476 Bộ luật Dân sự đã quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Tuy nhiên, từ lúc ban hành đến nay, không ngân hàng nào làm đúng quy định. Ví dụ, lãi suất cơ bản là 8,25%/năm, đáng lẽ tổ chức tín dụng chỉ được phép cho vay 12,375%/năm, nhưng hợp đồng với doanh nghiệp lại cao hơn mức này”.

Ông nói thêm, theo Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997, lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không sát với thực tế. Nói như thế vì loại lãi suất này không được dùng để giải quyết mối quan hệ vay mượn thực của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng, nên không phản ánh được mối quan hệ giữa cung cầu về vốn trên thị trường tiền tệ. Do đó, trong khi chưa xác định được vai trò thực sự của lãi suất cơ bản mà lại dựa vào đó để ấn định trần lãi suất cho thị trường là điều bất hợp lý.

Tác giả: Thiên Kim    NCDT 25/01/2010