Lãi suất huy động tiền đồng: Vũ điệu khó lường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các doanh nghiệp và thậm chí cả ngân hàng đều “choáng” khi chứng kiến ngay từ đầu tuần (ngày 6/12/2010) hàng loạt các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động tiền đồng Việt Nam (VND) và đỉnh điểm mức tăng là vào giữa tuần (ngày 8/12) và giảm nhẹ vào cuối tuần về mặt lãi suất công khai, nhưng trên thực tế lãi suất thỏa thuận vẫn ở mức cao ngất ngưởng 17,9%/năm.

Có thể nói Techcombank là ngân hàng TMCP đầu tiên “nổ phát súng” công khai khi đẩy mức lãi suất huy động lên 17% cộng với lãi suất thưởng là 17,6% vào ngày 8/12. Không lâu sau đó, đồng loạt các ngân hàng đã điều chỉnh tăng mức lãi suất lên 17%, thậm chí ngân hàng cổ phần Đông Nam Á (Seabank) còn gây sốc khi đưa mức lãi suất lên 18%. Và rất nhiều khách hàng “ruột” của các ngân hàng trong ngày 8/12 vừa qua đã “bội thực” tin nhắn tự động từ các ngân hàng chào mức lãi suất huy động tiền đồng phổ biến ở mức trên 17%/năm. Mặc dù mức lãi suất huy động “khùng” đó chỉ được các ngân hàng áp dụng ở kỳ hạn ngắn 1 tháng nhưng đã làm náo loạn thị trường tiền tệ. Trước tình hình đó, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước đã có sự can thiệp kịp thời vào chiều ngày 8/12 bằng công văn yêu cầu điều chỉnh lãi suất cho phù hợp ở mức 12-14,5% và đã được các ngân hàng thực hiện.

Mặc dù ngay chiều ngày 8/12/2010, các ngân hàng đã công bố điều chỉnh lãi suất huy động xuống theo yêu cầu của NHNN nhưng trên thực tế cho đến cuối tuần (ngày 11/12/2010) lãi suất huy động thỏa thuận vẫn ở mức cao tới 17,9%/năm. Cụ thể, Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) công bố mức lãi suất 13,5%, nhưng khi khách hàng đặt với số tiền gửi khoảng 2 tỷ đồng ngay lập tức ngân hàng đưa ra mức lãi suất thỏa thuận là 17,6%. Tương tự, Ngân hàng Nam Việt (Navibank) công bố mức lãi suất 13,5% nhưng sẽ cộng thêm 3,5% lãi suất khuyến mãi khi khách hàng đến đặt vấn đề gửi tiền. Trong khi đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Gia Định (GiaDinhbank) cũng đưa ra mức lãi suất 15,52% và sẵn sàng thỏa thuận với khách hàng nào gửi với số tiền lớn, khi đó lãi suất có thể được ngân hàng đẩy lên đến 17%.

Ngay cả Techcombank, mặc dù bị Ngân hàng Nhà nước nhắc nhở và đã điều chỉnh mức lãi suất xuống 14,5%, nhưng trên thực tế khách hàng vẫn nhận được 17% theo lãi suất thỏa thuận. Có ngân hàng vì sợ khách hàng rút tiền khi đáo hạn (số lượng lớn) đã phải chấp nhận mức lãi suất 17,9%/năm để giữ khách hàng lớn. Một “đại gia” ở thành phố cho biết anh cũng vừa đáo hạn một khoản tiền gửi 10 tỷ đồng với lãi suất 17,9% tại một ngân hàng TMCP hạng trung ở thành phố.

Việc các ngân hàng cùng nhau đẩy lãi suất lên cao được hiểu như một cách giữ chân khách hàng và nguồn vốn không đi khỏi hệ thống. Tuy nhiên, việc Techcombank đột ngột tăng lãi suất cao như vậy thì cần phải xem lại. Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa QTKD Đại học Ngân Hàng TP.HCM: “Càng về cuối năm, nhu cầu về vốn càng lớn nên lãi suất huy động tăng cao là chuyện không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc lãi suất tăng lên đến 17-18% là điều bất bình thường và cần xem lại nguyên nhân do các ngân hàng thiếu thanh khoản hay do yếu tố cung cầu của thị trường”.

Tuy nhiên, TS Lê Thẩm Dương cho biết, mới đây Thống đốc ngân NHNN Việt Nam thông báo các ngân hàng không hề thiếu thanh khoản nên việc lãi suất tăng cao có thể do yếu tố cung cầu cầu của thị trường. Thực tế thì trong khi nhiều ngân hàng chạy đua tăng lãi suất huy động thì có ngân hàng đã dừng lại ở mức lãi suất vừa phải 16-16,5%/năm và kiên quyết không huy động lãi suất cao như ngân hàng TMCP Việt Á. Tuy nhiên các khoản cho vay tín dụng của ngân hàng này cũng bị ngưng lại hoặc giải ngân rất chậm.

Một số lãnh đạo ngân hàng lo lắng và dự báo tình hình lãi suất huy động có thể vẫn ở mức cao từ nay đến Tết Nguyên đán 2011 do thời điểm cuối năm nhu cầu về vốn tăng mạnh. Khả năng lãi suất huy động có thể giảm thấp hơn nếu tỷ giá USD trên thị trường giảm xuống thấp hơn.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cũng nhận định: Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp càng nhiều nên lãi suất dự báo sẽ còn tăng, nhưng tăng đến một giới hạn nào đó thì NHNN sẽ phải can thiệp bằng các biện pháp giống như năm 2008 hoặc NHNN sẽ bơm tiền ra thị trường.

Minh Long- Tuấn Anh
Nguồn: Báo điện tử Công thương