Lãi vay “cào bằng” gây khó DN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngân hàng (NH) Nhà nước đã có quy định lãi suất cho vay với các đối tượng doanh nghiệp (DN) có khác nhau, theo đó, ưu tiên vốn và lãi suất cho nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu và sản xuất… Thế nhưng gần đây, do những biến động về lãi suất đầu vào, đầu ra nên đa số NH “cào bằng” mức lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh từ 20%-25%/năm, gây nhiều khó khăn cho DN.
Lãi cao và khó tiếp cận
Theo NH Nhà nước, hiện mức lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu của các NH thương mại từ 14,5% – 17%/năm; cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 17% – 20%/năm; đối với lĩnh vực phi sản xuất từ 20%-23%/năm.

Tuy nhiên thực tế, các DN đang phải vay vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất lên tới 22 – 25%/năm. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho rằng không chỉ phải vay, lãi suất cao mà các DN nhỏ và vừa còn rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay do thủ tục, điều kiện mà NH đặt ra quá sức với họ. Ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng chỉ có rất ít DN nhỏ và vừa được vay. Còn ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết các DN sản xuất chế biến điều xuất khẩu lâu nay hoạt động chủ yếu nhờ nguồn vốn vay NH. Thế nhưng, nay DN phải hoạt động bằng nguồn vốn tự có do lãi suất NH quá cao lại không dễ tiếp cận khiến ngành điều càng khó khăn hơn.

Thuộc diện ưu đãi vay sản xuất nông nghiệp nhưng Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam mới đây đã phải đề nghị cơ quan chức năng sớm hỗ trợ vốn trong việc thu mua tạm trữ cà phê nguyên liệu nhưng vẫn chưa thấy phản hồi. “Giá nguyên liệu cà phê hiện nay tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, tức nguồn vốn để thu mua nguyên liệu cũng tăng tương ứng nhưng khi DN tiếp cận với NH thì không được đáp ứng, thậm chí còn bị cắt giảm so với năm trước” – một đại diện hiệp hội này than. Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cũng kêu: Dù Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi cho ngành nông nghiệp, trong đó có cả chính sách vay vốn NH với lãi suất ưu đãi nhưng thực tế, các làng nghề đều khó tiếp cận vốn vay mặc dù đang thiếu vốn trầm trọng…

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NH Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, thừa nhận các DN trong diện ưu đãi cũng đang rất khó vay vốn và càng khó vay với lãi suất ưu đãi. Theo thống kê, hiện chỉ khoảng 30% DN vay được vốn từ các NH để sản xuất kinh doanh, 30% DN khác vay vốn “chập chờn” lúc được lúc không, các DN còn lại không tiếp cận được vốn NH. “Trong tình hình khó khăn như hiện nay, mức lãi vay 18%/năm đã là quá sức nhưng nhiều DN phải vay với lãi suất rất cao, một số NH còn đặt ra nhiều loại phí khiến lãi suất có thể lên tới 27%”- ông Cao Sỹ Kiêm bức xúc…

Hậu quả cuộc đua lãi suất đầu vào

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù có quy định mức lãi suất cho vay theo từng nhóm đối tượng như DN sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, DN vay sản xuất thông thường hoặc DN thương mại không nhập nguyên vật liệu… nhưng hiện đa số NH “đánh đồng” các nhóm đối tượng này để áp dụng mức lãi suất cao, tùy thuộc vào thỏa thuận giữa NH và DN. Theo đó, hiện mức vay sản xuất kinh doanh thường được các NH quy về cho vay ngắn hạn khoảng 24%/năm và vay dài hạn 23%/năm. Cán bộ tín dụng của một NH thương mại cổ phần tại TPHCM thừa nhận tình trạng DN đi vay đang phải “gánh” lãi cao khi các NH huy động vượt trần. Vị này giải thích cuộc “chạy đua” đầu vào khiến lãi huy động ở các NH lên tới 18%-20%/năm thì DN dù thuộc diện ưu đãi cũng không thể “có cửa” vay vốn 17%-20%/năm… Theo tính toán của một số DN, hiện lãi vay NH trung bình khoảng 23%-25%/năm, khấu hao máy móc thiết bị từ 1%-2%/năm, trả lương nhân công, chi phí điện, nước và chi phí khác… chiếm thêm một khoản không nhỏ. DN phải đạt lợi nhuận trên 30% mới hòa vốn hoặc có lãi chút ít nhưng điều này là không tưởng trong tình hình hiện nay. Vì vậy, một số DN vẫn “cắn răng” vay với lãi suất 23%-25%/năm đồng nghĩa với việc rủi ro cao, khả năng trả nợ thấp…

Áp trần lãi vay để “cứu” DN TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng: Điều cần thiết hiện nay là cần quy định trần lãi suất cho vay để “cứu” các DN, tránh tình trạng lãi suất cho vay tăng cao như hiện nay. Quan trọng hơn, để giải bài toán lãi suất là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp của Nghị quyết 11, như chính sách cắt giảm đầu tư công, giảm nhập siêu mạnh mẽ, quản lý thị trường chặt chẽ… để kéo giảm lạm phát. Khi lạm phát giảm thì vấn đề lãi suất cũng sẽ được giải quyết.

Nguyễn Hải – Thái Phương
Nguồn: Báo Người Lao động