Liên kết công tư: Doanh nghiệp và nông dân cùng hưởng lợi!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hiện nay, mô hình liên kết công-tư đã được triển khai cho nhiều mặt hàng nông sản tại các địa phương trên cả nước như gạo, cà phê, chè, thủy sản, trái cây… Ông Huỳnh Văn Thòn, Giám đốc Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) cho biết: công ty đang triển khai có hiệu quả chương trình “Cùng nông dân ra đồng” cho nông dân trồng lúa tại An Giang và một số địa phương. Cụ thể, công ty đã cung cấp giống, vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân sản xuất. Khi thu hoạch, công ty mua ngay tại ruộng chở về nhà kho, sấy lúa miễn phí và bà con có thể gửi tại kho trong 1 tháng, chờ lúc giá cao nhất để bán. Với cách làm này, nông dân sẽ giảm được nhiều chi phí sản xuất, bán được lúa với giá cao hơn từ 3-4 triệu/ha so với tự làm bình thường và không phải mua thiếu các loại vật tư nông nghiệp để chịu lãi như trước đây. Còn doanh nghiệp (DN) ổn định được vùng nguyên liệu thu mua lúa với khối lượng lớn, chất lượng đồng đều, không phải qua nhiều khâu trung gian, việc vận chuyển, chế biến, xuất khẩu cũng thuận lợi hơn.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hiện nay tỉnh An Giang đã có 17 doanh nghiệp đăng ký xây dựng cụm kho chứa, sấy, xay xát lúa với tổng kho gần 500 nghìn tấn. Ðây chính là điều kiện thuận lợi để An Giang chủ động mở rộng liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn trên qui mô lớn hơn.

Tại tỉnh Đắc Lắc, người dân trồng cà phê cũng đang hình thành mối liên kết chặt chẽ với DN. Chẳng hạn, việc Công ty Cà phê Trung Nguyên phối hợp với 1.500 hộ nông dân tại Đắc Lắc tham gia liên kết sản xuất cà phê. Qua chương trình này, người dân được cung cấp kiến thức, áp dụng các tiêu chuẩn UTZ trong canh tác cà phê như về nước tưới, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, chế biến… để tạo ra nguồn nguyên liệu tốt nhất và nâng cao lợi ích cho các hộ dân trồng cà phê. Đặc biệt, cà phê sau thu hoạch sẽ được thu mua ổn định và giá thu mua cao hơn so với thị trường.

Không chỉ có các DN trong nước tham gia vào mô hình này mà một số DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang đẩy mạnh việc xúc tiến hợp tác với nông dân. Từ nhiều năm qua, Metro Cash & Carry đã triển khai mô hình hợp tác công-tư với nông dân các tỉnh như Tiền Giang, Lâm Đồng, Cần Thơ… khá thành công. Nhiều sản phẩm của nông dân đã tạo dựng được thương hiệu uy tín tại hệ thống của Metro như Vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, Bưởi da xanh Thanh Thủy… Gần đây nhất, Metro Cash & Carry tại Việt Nam đang phối hợp với Tập đoàn Cargill triển khai chương trình đào tạo nông dân nuôi trồng thủy sản tốt. Từ đầu năm đến nay, Metro đã đào tạo 300 hộ nuôi cá (thuộc các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, An Giang) và 80 nhà sản xuất giống, hiệp hội ngành nghề, cán bộ nuôi trồng thủy sản. Cũng trong chương trình này, Trung tâm thu mua chế biến thủy sản cũng đã được Metro xây dựng tại TP. Cần Thơ và bắt đầu hoạt động vào trung tuần tháng 9/2011. Hiện tại, doanh nghiệp này đã chính thức thu mua 15 tấn thủy sản/ngày để tiêu thụ tại mạng lưới siêu thị Metro trên toàn quốc.

Công ty Nestlé Việt Nam cũng cho biết các dự án hỗ trợ người nông dân trồng cà phê như: Dự án sáng kiến nông nghiệp bền vững (SAI), dự án cạnh tranh nông nghiệp, dự án nhân giống, dự án 4C… phổ cập kinh nghiệm tốt nhất trong việc canh tác và chế biến cà phê theo hướng bền vững đang được Nestlé triển khai hiệu quả. Mỗi năm Nestlé thu mua từ 20% – 25% tổng sản lượng cà phê Robusta Việt Nam (200.000 – 250.000 tấn) tại các địa phương như Phú Thọ, Tuyên Quang, Nghệ An…

Ngoài các DN nói trên, nhiều công ty trong và ngoài nước như Công ty TNHH Angimex – Kitoku, Pepsico Việt Nam, Yara International, Monsanto, Bunge… cũng đang triển khai các kế hoạch liên kết công-tư với nông dân các địa phương để thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Mai Ca
Nguồn: Báo điện tử Công thương