Liên kết để phòng vệ thương mại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Để tránh bị kiện chống bán phá giá, không chỉ bản thân doanh nghiệp (DN) mà cần phải có vai trò làm sợi dây liên kết của các hiệp hội và cơ quan quản lý. Đó là nội dung chính của hội thảo “Sử dụng và xử lý hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất và xuất khẩu bền vững” do dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (EU- VN MUTRAP III) và Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM sáng 14/4.

Những kinh nghiệm “xương máu”

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới một mặt đã mang đến những thuận lợi nhưng cũng hàm chứa nhiều rủi ro trong cạnh tranh vì có nhiều cam kết mà chúng ta phải thực thi.

Có nhiều nguyên nhân khiến các hiệp hội kiện chống bán phá giá hàng hóa của DN Việt Nam, chủ yếu là do DN của họ không cạnh tranh lại nên họ tìm các lý do để kiện. Ngoài ra, khi sản phẩm của Việt Nam vào nước đó nhiều thì cũng là lý do để họ chú ý. Vì vậy, các DN chúng ta phải biết điều tiết thị trường khi thị trường đủ lớn.

Một số chuyên gia cho rằng mỗi hiệp hội, ngành nghề xuất khẩu vào một vùng khác nhau nên chỉ có Cục Quản lý cạnh tranh là nơi nắm nhiều thông tin, sâu sát để có thể phân tích nguyên nhân và loại trừ những khả năng bị kiện cho các DN Việt Nam. Bản thân các hiệp hội cũng phải theo dõi sát số liệu, chất lượng, diễn biến của từng thị trường để cảnh báo cho thành viên của mình, đừng để tạo ra nguyên nhân gây sức ép cho chính mình.

Từ thực tế 2 vụ kiện chống bán phá giá cá tra, basa và mặt hàng tôm, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng việc giá trị xuất khẩu tăng lên thì khả năng bị áp thuế suất cao là rất thấp. Vì vậy, khi bị kiện, DN nên tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, giá trị cao để có điều kiện chứng minh rằng mình không bán phá giá. Đối với Việt Nam thì giá xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản nói chung hiện tại tăng khoảng 18%-20% so với cùng kỳ năm ngoái, chính vì vậy mà sẽ có nhiều thuận lợi cho quá trình chứng minh là chúng ta không bán phá giá.

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng sau vụ kiện chống bán phá giá giày mũ da, các DN Việt Nam đã biết chuyển hướng, đẩy mạnh mở rộng thị trường sang các nước, đặc biệt là Mỹ nên giá trị xuất khẩu không giảm mà tăng trung bình 7%/năm. Hiện Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2, sau Trung Quốc, về xuất khẩu giày da.

Cần truyền thông gây áp lực

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Giày da Việt Nam, để Ủy ban châu Âu bãi bỏ thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da từ ngày 31/3/2011 vừa qua, DN cũng như hiệp hội và cơ quan quản lý đã phải tìm mọi cách. Nhưng cái chung nhất để có được thành công là có sự tổ chức, phân công hợp lý, từ việc nhờ luật sự đến sự thống nhất của các DN và hiệp hội. Đặc biệt, phải biết sử dụng phương tiện truyền thông để gây áp lực. Theo ông Thuấn, vụ kiện đã trải qua 5 năm, thiệt hại mỗi năm có thể nói là hàng trăm triệu USD. Hiện tại, mặc dù Ủy ban châu Âu đã tháo bỏ áp thuế suất nhưng vẫn còn “thòng lọng” là vẫn xem xét khi dung lượng hàng hóa giày mũ da xuất sang châu Âu tăng đột biến.

Ông Trương Đình Hòe thông tin hiện nay, vụ kiện cá tra, cá basa đang ở trong kỳ xem xét lần thứ 7 cho những lô hàng xuất khẩu năm 2010, còn vụ kiện tôm thì đang trong giai đoạn xem xét lần 6. Các DN đang tích cực trả lời các câu hỏi và nộp những hồ sơ liên quan cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Vụ kiện tôm có thể có kết quả sơ bộ vào khoảng tháng 12 /2012, còn vụ kiện cá tra, basa dự kiến sẽ có kết quả sớm hơn là vào tháng 9 năm nay. Mặc dù kỳ vọng kết quả sẽ tốt đẹp nhưng vẫn chưa phải là hết lo lắng bởi còn nhiều vấn đề có thể tác động từ bên ngoài mà mỗi bước đi sẽ gặp những vấn đề khó lường.

Một số kinh nghiệm cụ thể

– Phải lựa chọn luật sư giỏi, xây dựng chiến lược dài hạn cho cả ngành, theo dõi vụ kiện dài hạn, họ sẽ đồng nhất được thông tin, giảm chi phí cho DN.

– Một mặt dựa vào pháp lý, mặt khác vận động Chính phủ và cơ quan truyền thông vào cuộc; kể cả việc phải kiện ở các tổ chức khác cao hơn (chẳng hạn WTO).

– Bản thân DN phải là chủ thể tích cực, phải xây dựng cho được chiến lược bán hàng của mình với giá tốt và chủ động tiềm lực tài chính.

– Sử dụng hệ thống cảnh báo sớm của Cục Quản lý cạnh tranh để tránh nguy cơ bị kiện.

Nguồn: Báo Người Lao động