Làm người tiêu dùng, thật khó!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Dù đã quá quen với những trò khuyến mãi “bốc giời”, người tiêu dùng thỉnh thoảng vẫn phải quan tâm đến những tờ rơi, những trang quảng cáo về những chương trình khuyến mãi, xả hàng gây sốc, những quà tặng có giá trị lớn khi mua hàng…

Những mặt hàng hay có khuyến mãi có thể kể đến hàng điện máy, thời trang, dịch vụ di động… Các hình thức khuyến mãi là giảm giá bán, có khi lên tới 50- 70%; mua hàng kèm theo quà tặng; bán hàng trả góp lãi suất thấp… Những hoạt động này thường được tổ chức và tuyên truyền rầm rộ; trong khi đó tâm lý người Việt Nam rất thích được khuyến mãi, tặng quà.

Tuy nhiên, mặc dù có tình trạng loạn khuyến mãi như thời gian vừa qua nhưng rất ít chương trình thực sự vì lợi ích người tiêu dùng. Đằng sau những lời quảng cáo bốc giời thực chất là việc xả hàng cũ, hàng lỗi mốt, hàng kém chất lượng. Điều này rất thường gặp đối với các mặt hàng điện máy, hàng may mặc. Phần lớn những loại hàng hạ giá là những sản phẩm kém chất lượng, ế ẩm có khi từ năm trước tồn lại. Thậm chí có loại hàng hóa được nhà bán lẻ niêm yết giá cao tận trên trời và sau đó hạ xuống một giá rất đắt để bán cho người tiêu dùng.

Trong những tờ rơi, quảng cáo về chương trình khuyến mãi, nhà bán lẻ thường dùng chiêu lập lờ: có rất ít mặt hàng được giảm giá nhưng lại quảng cáo như là tất cả đều được giảm giá; muốn được mua một mặt hàng giảm giá có giá trị nhỏ phải có hóa đơn lên đến hàng triệu đồng; hoặc chỉ giảm giá trong một khung giờ nhất định; giá khuyến mãi thì ghi thật to, còn điều kiện thì được in ở một góc kín đáo với cỡ chữ nhỏ li ti, khiến người tiêu dùng thường bỏ qua, không đọc.

Vì vậy đã có không ít người tiêu dùng đi mua hàng lại mua thêm nỗi bực mình vì quá tin vào những lời quảng cáo khuyến mãi. Đến khi biết mình bị lừa, họ cũng không biết kêu ai.

Theo quy định, các doanh nghiệp tổ chức bán hàng khuyến mãi phải đăng ký với cơ quan chức năng và sở công thương các địa phương phải quản lý các hoạt động này. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát còn có quản lý thị trường, công an, thanh tra liên ngành và Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng thực chất hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng còn đang bị bỏ ngỏ. Hầu như chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý vì việc vi phạm những quy định về khuyến mãi.

Đáng buồn hơn, mới đây khi trả lời báo chí về trách nhiệm quản lý hoạt động khuyến mãi, một quan chức của Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương cho rằng, trước hết, người tiêu dùng phải có biện pháp để phòng tránh việc nhầm lẫn trong khi mua hàng khuyến mãi.

Trước đây, người dân đã nhận được khuyến cáo “hãy làm người tiêu dùng thông thái” khi phải quyết định mua gì trong số hàng ngàn loại thực phẩm mà phần nhiều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nay họ lại phải “kiểm tra thông tin” về những loại hàng hóa mà lẽ ra cơ quan quản lý phải làm.

Làm người tiêu dùng ở Việt Nam thật khó lắm thay.

PV
Nguồn: www.congluan.vn