Làn sóng FDI mới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mới đây, Công ty Bel VN, nhà sản xuất thương hiệu phô mai nổi tiếng Con bò cười của Pháp, đã khởi công xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương với số vốn đầu tư 17 triệu USD, trên diện tích 17.000 m 2 . Nhà máy sẽ vận hành vào giữa năm sau và hoàn thành toàn bộ vào năm 2020, khi đó có công suất gấp 9 lần nhà máy cũ cũng đang ở Bình Dương.

Chiến lược phát triển dài hạnÔng Chafiq Hammadi, Tổng giám đốc Bel VN, khẳng định nhà máy mới phục vụ cho chiến lược phát triển dài hạn tại thị trường VN và Đông Nam Á khi trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm cho khu vực. “Tận dụng lợi thế là lực lượng lao động có tay nghề, cũng như những chính sách ưu đãi của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), nhà máy sẽ xuất khẩu sản phẩm phục vụ toàn bộ thị trường Đông Nam Á. Trước mắt, công ty sẽ tập trung vào thị trường Philippines, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Lào, tiếp sau đó là Indonesia và Myanmar”, ông cho hay. Trước đây, các sản phẩm của Bel đều được phát triển tại trụ sở chính ở Pháp nhưng sắp tới sản phẩm sẽ được thực hiện ở trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại nhà máy Bình Dương.

Nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất có giá trị gia tăng cũng đã chọn VN làm cứ điểm để từ đó xâm nhập vào thị trường khu vực khi VN gia nhập các hiệp định kinh tế tự do như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoặc AEC. Ban đầu, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư khoảng 300 triệu USD cho nhà máy ở VN (đặt tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, Hải Phòng) nhưng sau đó, LG đã quyết định tăng vốn lên 1,5 tỷ USD. Đây cũng là tổ hợp nhà máy có quy mô lớn nhất trong khu vực của LG với diện tích 800.000 m 2 , tập trung sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao như tỷ vi, điện thoại di động, máy giặt, điều hòa, máy hút bụi, các thiết bị kỹ thuật số cho ô tô, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Nhà máy sẽ khánh thành vào cuối năm nay.

Trong lĩnh vực dệt may, nhiều nhà đầu tư ngoại cũng vào VN để hưởng lợi từ TPP vì trong 12 quốc gia tham gia vào TPP không có những “ông lớn” của dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đã chi hơn 9,25 triệu USD để sở hữu 3% cổ phần tại Tập đoàn dệt may VN (Vinatex) và đầu tư một số dự án dệt may lớn tại VN. Tập đoàn dệt may Tân Thế kỷ Viễn Đông (FENC) của Đài Loan cũng quyết định tăng vốn thêm 320 triệu USD để mở rộng công suất tại VN với quy trình khép kín từ sản xuất sợi, dệt vải, nhuộm vải đến gia công quần áo…

FDI sẽ tăng mạnh

VN đang đàm phán FTA (thương mại tự do) với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Bên cạnh TPP với quy mô 800 triệu dân (chiếm 38% GDP toàn cầu), còn có FTA EU – VN (EVFTA) với nhiều cơ hội khi 90% hàng hóa xuất khẩu sang EU sẽ hưởng thuế suất 0%, giúp xuất khẩu sang khu vực này sẽ tăng 30 – 40%, nhập khẩu tăng 20 – 25%. Những mặt hàng hưởng lợi nhiều nhất là nông sản, thủy sản, dệt may, giày dép. Ngoài ra đã có nhiều hiệp định FTA khác vừa được ký kết như Hiệp định FTA VN – Hàn Quốc cũng đem lại cơ hội xuất khẩu dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản… của VN. Hiệp định FTA VN – Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) sẽ giúp thương mại hai chiều tăng từ 4 tỷ USD lên 10 tỷ trong vòng 5 năm tới. Những FTA này chính là xúc tác để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới cũng như những nhà đầu tư hiện hữu quyết định tăng vốn, mở rộng sản xuất ở VN.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng các FTA, đặc biệt là AEC và TPP, sẽ thúc đẩy xuất khẩu VN tăng trưởng, từ đó kéo theo FDI tăng, tạo thêm nhiều việc làm và giá trị gia tăng cao hơn. Nền kinh tế VN cũng sẽ tiếp cận nhanh hơn với công nghệ, mở rộng thị phần và doanh nghiệp sẽ gia nhập với chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, TS Doanh nhấn mạnh tới ngành dệt may, khi kỳ vọng TPP sẽ mang về cho VN kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD vào năm 2020 và cán mức 55 tỷ USD vào năm 2030. “Nhiều doanh nghiệp dệt may lớn lo ngại về khả năng tận dụng cơ hội từ TPP với nguyên tắc “yarn forward” đòi hỏi hàm lượng TPP phải đạt 55%. Hiện các bên đang đàm phán để có thời gian ân hạn 5 năm và lộ trình từng bước đáp ứng yêu cầu. Đã và sẽ có làn sóng FDI sản xuất và dịch vụ trợ giúp dệt may để đạt yêu cầu này”, TS Doanh phát biểu. Đối với nông nghiệp, ông Doanh dự báo, cơ hội hợp tác VN – Nhật Bản trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản là rất lớn.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhấn mạnh 3 vấn đề mà VN được hưởng lợi mạnh mẽ từ TPP là gia tăng thương mại với Mỹ (thị trường lớn nhất trong TPP, yếu tố quan trọng giúp VN phát triển); FDI tăng, thúc đẩy phát triển kinh tế; thuế quan TPP giảm đáng kể và hàng hóa VN không phải cạnh tranh với Trung Quốc trong TPP.

Giải ngân 6,3 tỷ USDTrong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,49 tỷ USD, bằng 80,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vốn FDI giải ngân được 6,3 tỷ USD, tăng 9,6%. Số lượt dự án cấp mới và tăng vốn đều tăng hơn so với cùng kỳ năm 2014, số dự án cấp mới tăng hơn 15,4% và số dự án tăng vốn tăng 28,3% so với cùng kỳ. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất với 338 dự án đầu tư đăng ký mới và 190 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,18 tỷ USD, chiếm 76,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo Báo Thanh Niên