Lo thiếu vốn, ngân hàng “lao” vào cuộc chạy đua mới!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tập trung đẩy mạnh lãi suất kỳ hạn ngắn

Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho biết, theo chu kỳ kinh doanh, các doanh nghiệp thường đẩy mạnh vay vốn vào dịp cuối năm, bởi đây là mùa hoạt động kinh doanh diễn ra mạnh nhất trong năm. Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất cũng đang gia tăng khi kinh tế trong nước và thế giới có những chuyển biến tích cực. Điều này là hoàn toàn có cơ sở, bởi theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP quý III năm 2009 đạt mức 5,76%, cao hơn nhiều so với con số 4,5% đạt được trong quý II năm 2009, và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong quý 4. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP đạt mức tăng 4,56% và mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự kiến 5,2% trong năm 2009.

Trên thực tế, hoạt động điều chỉnh lãi suất huy động vốn tại các ngân hàng thương mại hiện nay tập trung ở các kỳ hạn ngắn, còn các kỳ hạn dài đã bị thu hẹp. Cụ thể, ngày 2.11, Ngân hàng TMCP Đông Nam á (SeABank) điều chỉnh biểu lãi suất huy động đối với các loại tiền VND, USD và EUR. Đối với VND, lãi suất huy động được điều chỉnh tăng thêm cao nhất là 1,2%/năm so với biểu lãi suất cũ, mức lãi suất cao nhất là 9,72%/năm. Lãi suất USD cũng được điều chỉnh tăng cao nhất là 0,7%/năm, lãi suất cao nhất là 3,60 %/năm. Cùng với đó, lãi suất huy động EUR cũng được điều chỉnh tăng lên cao nhất là 1,75 %/năm.

Theo thông báo từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), từ ngày 4.11.2009, lãi suất tiết kiệm VND trên toàn bộ hệ thống có sự điều chỉnh tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn, tăng dao động từ 0,04 – 0,55 %/năm. Với biểu lãi suất mới này, lãi suất tiết kiệm bậc thang VND của SHB thấp nhất cũng đã lên tới 9,2%/năm ở kỳ hạn 1 tháng và mức tiền gửi dưới 500 triệu đồng. Bên cạnh việc tăng lãi suất, trong thời gian này SHB còn có nhiều chính sách cộng thưởng hấp dẫn dành cho quý khách hàng.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tăng lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng từ 0,05-0,25 %/năm. Lãi suất các kỳ hạn 1, 2, 3 tuần lần lượt là 7, 6, 8 và 8,2 %/năm.

Vướng trần lãi suất tìm đường “lách”!

Mặc dù hiện nay các ngân hàng vẫn liên tiếp điều chỉnh lãi suất, nhưng xét về khả năng, lãi suất không còn “cửa” để tăng mạnh. Cuộc đua kéo dài 3 tháng qua giữa các ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động lên sát 10%, đây là mức trần theo quy định của NHNN. Điều này khiến các ngân hàng phải xoay ra tìm cách khác để tiếp tục huy động vốn mà không bị phạm luật. Hầu hết các ngân hàng đều trong tình trạng cố “ép” mọi cách để tăng lãi suất. Thực tế cho thấy, dù lãi suất đã tăng nhưng tăng trưởng huy động vốn đã giảm dần qua các quý. Những tuần gần đây, thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, khả năng tăng trưởng huy động vốn là rất thấp cho đến cuối năm.

TS.Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, với chính sách giữ nguyên lãi suất cơ bản ổn định 7%/năm trong những tháng tiếp theo, có thể xảy ra khả năng thiếu vốn phục vụ doanh nghiệp tích trữ nguyên liệu từ nay đến sang năm và phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho nền kinh tế những tháng cuối năm. Nhưng nếu lãi suất cơ bản không đổi sẽ đạt được mục tiêu bảo đảm vốn đầu vào cho doanh nghiệp ổn định ở mức vừa phải như hiện nay. Sở dĩ NHNN có xu hướng giữ nguyên lãi suất cơ bản là do hiện nay, các ngân hàng thương mại vẫn có cho vay thỏa thuận. Những khoản vay thỏa thuận thực chất là mở lối thoát cho các ngân hàng cũng như nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm, các ngân hàng vẫn công bố lãi lớn trong khi các doanh nghiệp vật vã trong cơn khó khăn. Điều này chứng tỏ gói kích cầu cũng không hoàn toàn cứu doanh nghiệp mà đã cứu cả ngân hàng. Do vậy, đã đến lúc ngân hàng phải chia sẻ, giảm bớt lợi nhuận của mình bằng cách tăng lãi suất huy động để hút vốn nhằm cung ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngân hàng nào ép được chi phí thì lợi nhuận ít bị giảm. Về phía NHNN cũng ngăn ngừa khả năng thiếu vốn bằng cách công bố chủ trương tăng hạn mức dư nợ tín dụng cả năm lên 30%.

TS.Cao Sỹ Kiêm đánh giá, huy động vốn từ người dân cho thấy vẫn còn tâm lý lo ngại tiền đồng bị mất giá. Cộng với diễn biến giá vàng tăng kỷ lục, kinh tế thế giới còn có những biến động khó lường, khả năng hút tiền gửi không thể tăng nhanh, nhất là các kỳ hạn dài để phục vụ cho vay trung và dài hạn. Cơ cấu nguồn vốn phần lớn là ngắn hạn nên chỉ cho vay ngắn hạn, cho vay dài hạn vượt khỏi chỉ số an toàn, nếu người dân rút đồng loạt sẽ đổ vỡ. Các ngân hàng phải chuẩn bị sẵn sàng các kênh khác như huy động bằng kỳ phiếu, trái phiếu, vay qua đêm liên ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi (CCTG)…

Từ đầu tháng 11, Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) phát hành CCTG. Lãi suất áp dụng cho CCTG bằng VND lên đến 10,20 %/năm cho kỳ hạn 24 tháng, 10,10%/năm cho CCTG kỳ hạn 18 tháng. Đối với CCTG bằng USD, lãi suất cao nhất là 3,14% cho kỳ hạn 9 tháng và 2,82% cho kỳ hạn 6 tháng. Đây là một trong những mức lãi suất CCTG cao nhất hiện nay.

N.Hường
Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử