Luật đất đai cõng 200 văn bản chồng, chỏi nhau
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chỉ giao 20 năm: Vô lý, lãng phí

“Đất thổ cư thì được giao sử dụng lâu dài nhưng đất nông nghiệp trồng cây hằng năm thì có thời hạn chỉ 20 năm. Tính ra kể từ năm Luật Đất đai 1993 có hiệu lực (1993) thì chỉ còn hai năm nữa là hết thời hạn giao đất loại này (Theo Nghị định 64/1993, đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, trong đó có đất lúa được giao đồng loạt cho người dân từ năm 1993 sẽ hết hạn sử dụng vào năm 2013 – NV). Điều này dẫn tới 1,2 triệu giấy chứng nhận sẽ phải điều chỉnh lại, vừa dồn việc cho cơ quan nhà nước vừa tốn kém chi phí, tiền bạc của người dân” – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Long An ông Nguyễn Văn Được phát biểu.

Theo Luật Đất đai 2003 thì thời hạn giao đất trồng cây hằng năm, đất làm muối, nuôi trồng thủy sản cũng chỉ có thời hạn sử dụng là 20 năm. Do đó, ông Được kiến nghị nên chăng thời hạn giao đất nông nghiệp nên dài hơn, chẳng hạn 50 năm để người dân yên tâm mà Nhà nước cũng đỡ việc. Đồng tình ý kiến trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP cho rằng cần xem lại thời hạn giao đất nông nghiệp theo hướng lâu dài.

Báo cáo của TP.HCM có phần đề xuất: Chỉ duy trì hai hình thức là giao đất ổn định lâu dài với các tất cả các loại đất và cho thuê đất với thời hạn dựa theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê; chỉ áp dụng hình thức Nhà nước cho thuê đất khi đất đó thuộc quyền quản lý trực tiếp của Nhà nước, nói cách khác là đất công.

Thống nhất một loại giá đất

Bà Nguyễn Thị Cam, thành viên Hiệp hội Bất động sản TP, lưu ý cần xem xét lại quy định về ban hành giá đất. “Hiện nay đang cùng song song tồn tại hai loại giá đất. Một loại giá do Nhà nước ban hành hằng năm và không sát thực tế, một loại được gọi là giá thị trường nhưng đó là giá nào thì không ai trả lời được”. Theo bà Cam, cần thiết phải hướng đến việc chỉ thống nhất một loại giá. TP.HCM cũng kiến nghị: Nhà nước ban hành bảng giá đất sát với giá thị trường tại thời điểm ban hành, có thể hai, ba năm thì làm một lần bởi hiện nay chi phí, thời gian phục vụ cho việc xây dựng bảng giá đất hằng năm là rất lớn nhưng hiệu quả lại rất hạn chế, chủ yếu chỉ áp dụng để tính thuế, còn lại hầu hết trường hợp khác đều phải xác định theo giá thị trường.

“Chúng tôi còn không cập nhật nổi văn bản hết hiệu lực”(!)

“Phân tích, đánh giá vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu trong việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn” là một trong những yêu cầu do Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên đề nghị các địa phương làm rõ. Tuy nhiên, rất ít ý kiến phát biểu về vấn đề này. Đại diện Viện nghiên cứu Phát triển TP, ông Hoàng Minh Trí – Phó Viện trưởng báo cáo tham luận của viện này, nhận xét khái quát về mô hình quản lý đất đai hiện nay là “được thiết kế nhấn mạnh vai trò của Nhà nước, mục tiêu sử dụng hiệu quả đất đai chưa được chú trọng, cơ chế trách nhiệm chưa rõ ràng”. Viện này phân tích: Chi phí tiếp cận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, các chi phí liên quan đến thủ tục đất đai và xây dựng còn cao, chủ yếu bế tắc từ việc duy trì chế độ sở hữu toàn dân với đất đai trong khi vẫn phải xác lập các quyền cơ bản của người sử dụng đất.

“Một trong những khó khăn lớn nhất là một số quy định pháp luật về đất đai chênh nhau” – Giám đốc Sở TN&MT TP, ông Đào Anh Kiệt, nhận xét. Bà Nguyễn Thị Cam nói thêm: “Có trường hợp luật không đủ nhưng cũng có khi luật đủ mà người thực hiện không nắm được hết. Vụ thu tiền sử dụng đất của Công ty Phú Mỹ Hưng là một điển hình rõ nhất về mâu thuẫn giữa quy định pháp luật với thực tế áp dụng”.

Trong khi Sở TM&MT tỉnh Đồng Nai liệt kê hàng loạt quy định chỏi nhau giữa Luật Đất đai với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở thì TP.HCM cho hay ngay trong ngành đất đai cũng có nhiều văn bản không rõ, dễ gây hiểu nhầm. Chẳng hạn, Luật Đất đai quy định đất sử dụng vào mục đích kinh doanh thì phải tự thương lượng với người sử dụng đất, không áp giá bồi thường. Trong khi đó, Nghị định 181 năm 2004 thì quy định nhiều loại dự án kinh doanh thuộc loại Nhà nước thu hồi đất.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), ông Phạm Đình Cường, bày tỏ sự đồng cảm với các địa phương về việc quá nhiều văn bản quy định về đất đai. “Dưới Luật Đất đai là 13 nghị định và hơn 200 văn bản hướng dẫn, nhiều khi chúng tôi còn không cập nhật kịp cái nào còn hiệu lực, cái nào hết” – ông bày tỏ.

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM