Luật là hiện thực cuộc sống Không phải ý chí chủ quan và sự vội vàng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sửa đổi, bổ sung những quy định còn thiếu tính khả thi của pháp luật hiện hành nhằm khắc phục những tồn tại, yếu kém và giải quyết những vướng mắc của thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, không phải cứ đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung là… những vướng mắc, tồn tại sẽ được giải quyết. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có lẽ là một trong những dự án Luật như vậy. Cho ý kiến vào dự án Luật này tại Phiên họp thứ Hai hai của UBTVQH, nhiều thành viên UBTVQH nhất trí cho rằng, những nội dung được đưa ra trong dự án Luật rất đáng được sửa đổi, bổ sung, nhưng lại chưa thực sự cấp thiết.

Sở dĩ lại đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cấp thiết, bởi, hiện nay, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo dường như đụng vào đâu cũng thấy vướng mắc, thấy “có vấn đề”. Vậy nên, nếu chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều thì chưa thể bao quát, xử lý hết những vướng mắc, bức xúc. Quan điểm của Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là sẽ tập trung vào một số vướng mắc, bức xúc nhất trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo hiện nay. Tuy nhiên, từ quan điểm đến việc có thể hiện quan điểm đó trong dự án Luật hay không là hai chuyện khác nhau. Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật, Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ chỉ rõ: hầu hết các nội dung được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ tuy rất đáng được sửa đổi, bổ sung, nhưng lại chưa phải là những nội dung thực sự cấp thiết. Hiện nay, dư luận xã hội đang quan tâm và bức xúc về chất lượng giáo dục, việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa như thế nào để giảm sự quá tải cho học sinh, sinh viên; hay trước thực trạng việc biên soạn, in và phát hành sách giáo khoa còn mang tính độc quyền như hiện nay thì biện pháp khắc phục là gì…

Cũng dễ hiểu và có lẽ không cần nêu thêm những ví dụ minh họa cho sự quá tải trong nội dung, chương trình của học sinh hiện nay. Bởi, hình ảnh chiếc cặp nặng mà mỗi em học sinh phải ì ạch mang vác đến trường hàng ngày đã nói lên tất cả. Điều đáng nói ở đây là chiếc cặp nặng đó dường như chưa tỷ lệ thuận với chất lượng giáo dục. Làm thế nào để giảm áp lực trong thi cử, khắc phục chiếc cặp nặng của học sinh? – câu hỏi mà ĐBQH đã đặt ra tại nhiều Kỳ họp QH, gần đây nhất phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII, đến nay vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Chất lượng giáo dục chưa như mong muốn, chương trình giáo dục phổ thông đang bị quá tải… Dư luận xã hội đang quan tâm, lo lắng và bức xúc về nội dung này. ĐBQH cũng đã nhiều lần nói trên diễn QH. Nhưng, đối với cơ quan được giao quyền hạn và nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo thì dường như đây chưa phải là mối quan tâm hàng đầu. Chẳng thế mà trong những đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục lần này, không thấy Ban soạn thảo đả động gì đến sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. Thay vào đó, theo nhận định của Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cũng như nhiều Ủy viên UBTVQH thì Ban soạn thảo lại tập trung vào những nội dung chưa thực sự cấp thiết, thậm chí là không cần thiết phải sửa đổi. Quy định về thời gian đào tạo trình độ tiến sỹ là một trong những nội dung như vậy. Theo dự thảo Luật, thời gian đào tạo trình độ tiến sỹ đối với người có bằng thạc sỹ sẽ được thực hiện trong 3 năm học, thay vì 2- 3 năm học như luật hiện hành. Cho rằng, quy định thời gian đào tạo trình độ tiến sỹ như hiện hành là phù hợp, chặt chẽ, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói: kéo dài thời gian học không thể hiện được chất lượng. Đào tạo Đại học của chúng ta có thời gian dài, nhưng lại dạy cho sinh viên nhiều môn mang tính lý luận cao siêu mà lại không áp dụng được vào thực tiễn. Trong đó có những môn rất vô bổ…

Chiếc cặp nặng của học sinh; sinh viên kế toán sau khi tốt nghiệp, nhưng hỏi có biết sổ cái là gì hay không, đã nhìn thấy hóa đơn bao giờ chưa, đã nhìn thấy séc bao giờ chưa thì vẫn mơ màng lắm… là trực quan sinh động, là thực tiễn về chất lượng giáo dục của nước nhà hiện nay. Dư luận xã hội đã kêu nhiều và ĐBQH cũng đã nói nhiều rồi. Và tại Phiên họp thứ Hai hai vừa qua, những bức xúc mang tính bản chất đó thêm một lần được các Ủy viên UBTVQH chỉ ra. Từ thực tiễn cuộc sống, xuất phát từ mong muốn gần gũi và giản dị của người dân về hiện trạng giáo dục để thẩm tra, thẩm định và đánh giá chất lượng dự thảo Luật, nhiều Ủy viên UBTVQH đặt câu hỏi: liệu rằng, những bức xúc chưa được tháo gỡ của ngành giáo dục và đào tạo hiện nay có phải do quy định của Luật Giáo dục hiện hành thiếu tính khả thi? Đồng thuận với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Giáo dục hiện hành, nhưng với những nội dung mà Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung lần này thì những bức xúc, vướng mắc có khắc phục được hay không? Thẩm tra sơ bộ về dự thảo Luật, Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cũng nêu rõ: thực tế cho thấy, một số hạn chế của ngành giáo dục thời gian qua không phải do Luật mà do thiếu văn bản hướng dẫn kịp thời để thi hành. Cùng với đó là khâu tổ chức thực hiện Luật chưa tốt.

Trước quá nhiều những bức xúc nóng bỏng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trước sự có vẻ vội vàng của Ban soạn thảo, bằng cái nhìn bình tĩnh và đi vào bản chất, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: quan trọng nhất là học cái gì và dạy cái gì vào lúc này. Bây giờ, giáo dục nhiều nội dung lắm, tràn lan cả ra. Cần giao thông đưa thêm giao thông vào chương trình; cần dân số lại đưa cả dân số vào. Cần cái gì lại đưa thêm cái đó vào chương trình thì quá tải là phải thôi. Hay, giữa khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ và khoa học xã hội, nhân văn đã cân đối chưa? Ai thẩm tra, thẩm định điều này?… Chỗ này Bộ phải có định hướng, luật của QH phải định hướng như thế nào? – Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Những nội dung này chưa được Ban soạn thảo thể hiện rõ ràng trong dự thảo Luật trình UBTVQH tại Phiên họp thứ Hai hai vừa qua. Vướng mắc lớn nhất, bức xúc lớn nhất của ngành giáo dục hiện nay – chất lượng – đã chưa được Ban soạn thảo chạm đến.

Sửa đổi, bổ sung những quy định còn thiếu tính khả thi là hoàn toàn hợp lẽ. Tuy nhiên, vấn đề còn là chất lượng, hiệu quả cũng như tác động của những nội dung được đưa ra sửa đổi, bổ sung trong việc giải quyết những bức xúc, vướng mắc của cuộc sống. Muốn giải quyết được trước hết những nội dung được lựa chọn đưa ra sửa đổi, bổ sung phải đúng và trúng.

Xây dựng pháp luật để xác lập khuôn khổ cho các hành vi trong xã hội. Các hành vi bị điều chỉnh có thể dẫn tới trật tự và thịnh vượng, nhưng cũng có thể dẫn tới sự rối loạn và bế tắc -ý kiến của Ts Nguyễn Sĩ Dũng – tất cả phụ thuộc vào chất lượng của công nghệ làm luật. Muốn xác lập được đúng và trúng khuôn khổ hành vi, dẫn tới sự trật tự và thịnh vượng thì trước tiên các điều luật phải bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, là công cụ pháp lý tích cực để khắc phục được những tồn tại, vướng mắc nảy sinh trong cuộc sống.

Bằng cái nhìn bình tĩnh, bản chất và xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, cơ quan thẩm tra của QH không bị cuốn theo sự vội vàng hay ý chí có phần chủ quan của Ban soạn thảo. Đơn giản bởi lẽ, Luật là hiện thực cuộc sống, bám vào cuộc sống thì Luật mới có ý nghĩa.

Thanh Tâm
Nguồn: Báo Người Đại biểu nhân dân