Lương và sự bình đẳng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước hết, phải thấy rằng, việc tăng lương tối thiểu, dù có lợi cho người lao động, nhưng ít nhiều cũng để lại gánh nặng cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất – kinh doanh. Điều này buộc các doanh nghiệp phải cơ cấu lại lực lượng lao động, sao cho sử dụng hợp lý, hiệu quả, năng suất cao.

Bên cạnh đó, với việc điều chỉnh mạnh lương tối thiểu lần này, đặc biệt với khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có chung mức lương tối thiểu vùng.

Đây có thể coi là một bước đột phá, tạo sự bình đẳng giữa hai khu vực doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng tạo thêm gánh nặng cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước. Lý do là, cùng trả một mức lương như nhau, nhưng năng suất lao động của doanh nghiệp trong nước luôn thấp hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên hiệu quả sử dụng lao động, hiệu quả sản xuất – kinh doanh vì thế cũng kém cạnh tranh hơn. Nếu không sớm có quy trình quản lý thích hợp, hiệu quả hơn, thì doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng yếu thế so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, dù lương tối thiểu giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong cùng một vùng đã có mặt bằng chung, song chênh lệch giữa các vùng còn khá lớn. Khoảng cách này cần phải thu hẹp hơn, để tạo sự công bằng nhất định, nhất là đối với những vùng giáp ranh.

Hơn thế, còn sự bất cập giữa lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp và lương tối thiểu khu vực hành chính. Hiện nay, công chức nhà nước đang hưởng mức lương tối thiểu 830.000 đồng/người/tháng (nhân với hệ số), trong khi ở khu vực doanh nghiệp, mức lương tối thiểu thấp nhất là 1,4 triệu đồng/tháng. Sự chênh lệch quá lớn này khiến khối cán bộ, công chức không khỏi chạnh lòng. Dù họ có chăm chỉ làm việc và cống hiến, nhưng thu nhập vẫn rất thấp. Hầu hết công chức, viên chức hiện nay chưa thể sống được bằng lương. Tình trạng chảy máu chất xám, tham ô, nhũng nhiễu… cũng một phần xuất phát từ thực tế lương công chức quá thấp.

Đành rằng, lực lượng lao động trong khối doanh nghiệp có đóng góp lớn trong tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Nhưng nói như thế không có nghĩa là công chức, viên chức trong khối hành chính sự nghiệp có đóng góp ít hơn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thực tế, trên một khía cạnh nào đó, họ là tác nhân chính góp phần “bôi trơn” để tất cả các bộ máy của toàn nền kinh tế, toàn xã hội vận hành trơn tru, thông suốt, tạo nền tảng cho sự phát triển của đất nước.

Đáng mừng là, Bộ Nội vụ vừa đề xuất nhiều phương án cải cách lương cho cán bộ, công chức theo hướng để đối tượng này dần sống được bằng lương. Đây là câu chuyện không dễ dàng, nhưng khó mấy cũng phải làm, để tạo sự bình đẳng giữa những người lao động và để tạo nền tảng cho một sự cải cách hành chính toàn diện, góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Nguồn: Báo Đầu tư điện tử