Mất cân đối giữa huy động và cho vay ngoại tệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo báo cáo này, tổng phương tiện thanh toán trong tháng 7 ước tăng 0,91% so với tháng trước. Ước tính đến 31/7, tổng phương tiện thanh toán tăng xấp xỉ 13% so với tháng 12/2009; dư nợ tín dụng ước tăng tương ứng hơn 1,3% và cũng đạt xấp xỉ 13%; tổng số dư tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 7 ước tăng 0,86% và 14,39%.

Mức tăng trưởng của các chỉ tiêu về tiền tệ kể trên được cho là phù hợp với mục tiêu cả năm đã được Chính phủ phê duyệt. Trước đó, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) dự báo cả năm 2010, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20-23%, tín dụng tăng 24-26%, huy động vốn tăng khoảng 23-24%. 

Tuy nhiên, đáng lưu ý là trong tổng dư nợ tín dụng xấp xỉ 13% nói trên, cho vay bằng VND chỉ tăng khoảng 1,3% so với tháng trước và khoảng 8,4% so với tháng 12/2009, nhưng tín dụng ngoại tệ lại vượt trội trong cả hai tương quan so sánh, ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng tới 34,4% so với tháng 12/2009.

Trong khi, cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, huy động bằng VND tháng 7 ước tăng hơn 1,1% so với tháng trước và tăng 19,4% so với tháng 12/2009, trong khi huy động bằng ngoại tệ giảm 0,25% so với tháng trước và giảm khoảng 2,4% so với tháng 12/2009.
 
Mất cân đối giữa huy động và cho vay ngoại tệ trong tháng qua cũng phù hợp với diễn biến gần đây trên thị trường ngân hàng, khi khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra đối với USD thu hẹp dần đến mức trần và gần như không còn chênh lệch giá. 

Một số nguồn tin cho biết, không hiếm các ngân hàng đã bắt đầu ngưng bán USD ra cho khách mua lẻ và thu phí đối với khách mua là doanh nghiệp. 

Điểm lưu ý khác là tăng trưởng huy động vốn bằng VND dù cao gấp hơn 2 lần cho vay, trong so sánh với cuối năm 2009 (19,4% so với 8,4%), nhưng diễn biến trong tháng qua lại trái chiều, khi cho vay tăng cao hơn huy động (1,3% so với 1,1%). 

Thể hiện trên lãi suất cho vay, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 13-14,5%/năm; lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại phổ biến khoảng 11-11,2%/năm, tức là không có thay đổi đáng kể so với con số trong báo cáo 1 tháng trước cũng của bộ này.

Theo Anh Quân
VnEconomy