MEI sẽ là động lực thúc đẩy hoạt động các Bộ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Mùa PCI” 2012 vừa trôi qua để lại nhiều dư vị. Lần đầu tiên sau 8 năm, Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm qua ghi nhận không một tỉnh thành nào lọt vào nhóm Rất tốt trong mắt cộng đồng doanh nghiệp (tức là có điểm chấm từ 65/100 trở lên).

Thứ hạng trong bảng xếp hạng cũng cho thấy, nhiều tỉnh thành dường như chẳng có nhiều nỗ lực gây dựng môi trường đầu tư thu hút. Rốt cuộc, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kết quả PCI thể hiện sự thất vọng không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp dành cho chính quyền cơ sở.

Riêng đối với Hà Nội, có lẽ sự thất vọng còn nhân lên nhiều lần. “Đầu tàu” đã nhiều năm liền không còn là “đầu tàu”. Thậm chí, với PCI 2012, Hà Nội còn tụt hạng đáng kinh ngạc, từ vị trí thứ 36 năm 2011 xuống vị trí thứ 51/63.

Ngược lại, các tỉnh thành nhỏ, điều kiện khó khăn lại đang nỗ lực không ngừng để cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương mình. Năm trước, Lào Cai vươn lên vị trí số 1, năm nay đó là vị trí của Đồng Tháp – địa phương không có nhiều thuận lợi về giao thông, tài nguyên.

Chính quyền các tỉnh thành, cả những tỉnh đã vươn lên đáng kể trong năm vừa rồi và những tỉnh bị tụt hạng, sẽ còn rất nhiều việc phải làm sau mùa PCI 2012. Cuộc cạnh tranh công khai giữa các địa phương cần được khích lệ, vì thành tích, không đơn giản là một tấm bằng chứng nhận mà chính là động lực phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Doanh nghiệp “chấm điểm” cho cơ quan công quyền. Điểm số ở đây sẽ không đánh trượt bất kỳ ai như trên ghế nhà trường, cũng không phán quyết ai như các lá phiếu tín nhiệm trong bộ máy hành chính. Nhưng đó là một lăng kính phản chiếu giá trị, để các cơ quan công quyền nhìn vào đấy, tự sửa mình.

Từ PCI nghĩ đến MEI. Nhớ hồi đầu mới công bố PCI, nhiều địa phương bị chấm điểm thấp cũng đã phản đối rình ràng vì tự ái.

Giờ thì PCI đã một hành trình tương đối, có thể nói đã được thừa nhận, chí ít thì cũng như một “kênh tham khảo” hữu ích, còn MEI – Báo cáo đánh giá về chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật kinh doanh của các bộ – thì mới bắt đầu.

Lần đầu tiên được công bố năm 2011, MEI dựa trên phản hồi điều tra của của 207 hiệp hội doanh nghiệp, đại diện cho hơn 419.000 doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh trong cả nước. Vậy nhưng, vì động chạm đến các cơ quan ở trung ương, ngay lập tức, MEI cũng bị nhiều người “có ý kiến”.

Nhìn lại, MEI 2011 đưa ra 6 chỉ số để đánh giá các bộ, gồm: Xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, công khai thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cuối cùng là rà soát kiểm tra tổng kết thi hành pháp luật.

Mỗi chỉ số trên có nhiều chỉ số thành phần để đánh giá từng việc của các bộ như: thanh tra kiểm tra doanh nghiệp, tính thống nhất và khả thi của văn bản pháp luật, giải quyết vướng mắc và trách nhiệm giải trình…

Kết quả, 14 bộ đều có điểm tổng hợp nằm ở mức trung bình. Hai nhóm hoạt động đạt điểm khá nhất là: xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, điểm trung bình cho các bộ đạt 74,3; tổ chức thi hành pháp luật, điểm trung bình cho các bộ đạt 59,94.

Đáng chú ý, chỉ số “Lấy ý kiến đối tượng chịu tác động khi soạn thảo VBQPPL”, các bộ đều không đạt điểm trung bình. Còn chỉ số “Rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật” thì điểm trung bình của các bộ là 48,98% điểm tuyệt đối.

Kết quả, Bộ Tư pháp dẫn đầu với 59,01/100 điểm, tiếp sau là các bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Y tế, Xây dựng, Giao thông Vận tải, cuối cùng là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, thời điểm kinh tế khó khăn, doanh nghiệp đang phải đối mặt với bài toán tồn vong, hy vọng khi được “chấm điểm”, các bộ sẽ tập trung hơn vào xây dựng, tăng chất lượng văn bản pháp luật, tránh chỉ tập trung vào các dự án, quản lý doanh nghiệp nhà nước…

Nếu như chỉ số PCI nay đã là động lực để các tỉnh cạnh tranh, nâng cao xếp hạng thì với MEI, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, cũng mong nó sẽ đồng hành cùng các bộ trưởng để thúc đẩy, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các bộ cũng như của Chính phủ.

Đã hơn 1 năm qua kể từ khi chỉ số MEI lần đầu công bố. Thời điểm này VCCI cũng đang tiến hành nghiên cứu MEI mùa thứ hai.  PCI 2012 thì đã sụt giảm mạnh, còn MEI, vốn đã có một xuất phát điểm “khiêm tốn”, nếu năm qua lại nối gót PCI thì quả đáng buồn.

Bách Nguyễn
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam