Môi trường kinh doanh quốc tế : Chưa kịp mừng đã phải lo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhìn vào môi trường kinh doanh quốc tế thời gian qua, cảm nhận chung là không biết nên mừng hay lo. Có những biểu hiện được coi là lý do chính đáng để có thể vui mừng, nhưng đồng thời lại cũng có không ít diễn biến khiến không thể không lo ngại.

Mảng sáng ấm áp…

Chiều hướng phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung được duy trì và củng cố. Đó là cái nền sáng chung cho toàn bộ môi trường kinh tế quốc tế thời gian qua. Mức độ và tính bền vững của phục hồi và tăng trưởng kinh tế có khác nhau giữa khu vực này với khu vực khác và giữa nền kinh tế này với nền kinh tế khác, nhưng có thể thấy rằng chiều hướng ấy chưa dễ gì có thể đảo ngược trong thời gian tới, cho dù tốc độ tiến triển của nó có thể bị chậm lại bởi những diễn biến đang làm rung động chính trường, an ninh và ổn định ở Bắc Phi và Trung Đông. Dấu hiệu phục hồi kinh tế ở những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và EU nói chung đều khá rõ nét và liên tục. Mức độ tăng trưởng ở những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn khá ấn tượng và có tính liên tục. Diễn biến trên thị trường chứng khoán ở nhiều nơi trên thế giới cũng theo hướng phản ánh sự tin tưởng ngày càng tăng của giới đầu tư và kinh doanh vào sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới. Khủng hoảng tài chính tuy vẫn còn được đề cập đến không ít, nhưng đa phần trong mối liên hệ trực tiếp đến một số nền kinh tế riêng rẽ như Hy Lạp hay Ireland. Có thể thấy những biện pháp, chính sách đối phó và những chương trình kích cầu nhằm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế mà chính phủ nhiều quốc gia thực hiện từ sau sự bùng nổ khủng hoảng tiếp tục đưa lại kết quả tích cực. Cũng có thể thấy được từ đó mức độ thấm thía những bài học kinh nghiệm đã rút ra được từ lần khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu này. Quyết tâm của chính phủ ở nhiều quốc gia thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tìm kiếm sự hợp tác hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn và ứng phó với khủng hoảng cũng thuộc về những mảng sáng trong bức tranh chung về môi trường kinh doanh quốc tế hiện tại. Vai trò và sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế không những được khẳng định mà còn có chiều hướng gia tăng và chưa thể sớm trở lại về mức trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra.

Kết quả của Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các thành viên Nhóm G20 mới rồi không chỉ là bằng chứng, mà còn tạo nền tảng vững chắc hơn cho chiều hướng ấy. Nước Pháp trong tư cách Chủ tịch luân phiên đương nhiệm của cả G20 lẫn G8 đã đóng vai trò rất quyết định để định lượng hóa một số tiêu chí nhằm phát hiện sớm biểu hiện của khủng hoảng. Tác dụng của việc áp dụng những tiêu chí này trong thực tiễn rồi đây thiết thực đến đâu là chuyện hạ hồi phân giải. Tuy nhiên, thông điệp quan trọng từ đó là: một khi khủng hoảng không chừa một ai thì không ai được đứng ngoài mọi nỗ lực chung nhằm đối phó với khủng hoảng. Toàn cầu hóa đã trở thành con thuyền mà tất cả phải đi theo, cùng nhau đến bờ bến mới hoặc cùng bị chìm khi đang lênh đênh trên sóng nước.

… chưa đủ lấn át mảng tối

Chưa có được sự phối hợp hành động trên bình diện quốc tế về phương diện chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát hiệu quả hơn

Nhưng có hai chuyện khiến mảng sáng nói trên lại chưa đủ để lấn át mảng tối, đem cái ấm áp xua đuổi cái lạnh giá. Thứ nhất là giá dầu tăng. Giá dầu trong thời gian qua tiếp tục tăng mạnh, cho dù chưa đến mức gây nên một cuộc khủng hoảng dầu lửa mới. Nguyên nhân phần nào (chứ không hẳn nguyên nhân chính) là nhu cầu về dầu lửa nói riêng và năng lượng nói chung trên bình diện toàn cầu tăng do phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân chính là diễn biến tình hình chính trị nội bộ và an ninh bất ổn định ở Bắc Phi và Trung Đông. Chính biến ở những nơi này bùng nổ bất ngờ, diễn biến khó lường và chưa biết kết cục sẽ như thế nào khiến cho giá dầu trở thành con ngựa bất kham. Không chỉ có chuyện giá dầu tăng, mà cả tính thất thường và đột biến trong chiều hướng tăng đó khiến giá dầu hiện đã trở thành một trong những rủi ro lớn đối với sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới, làm cho môi trường kinh doanh quốc tế không được ổn định. Nguy cơ khủng hoảng dầu lửa không phải không có vì chẳng thể loại trừ được, nhưng khả năng xảy ra trên thực tế lại rất nhỏ bởi dầu lửa vẫn là nguồn năng lượng quan trọng, nhưng không còn quan trọng đến mức quyết định tất cả như trước và ai ai cũng biết rằng, không để xảy ra khủng hoảng dầu lửa là chuyện có ý nghĩa sống còn chứ không phải đối phó với khủng hoảng dầu lửa.

Chuyện thứ hai là nguy cơ lạm phát. Lạm phát tăng mạnh đã là thực trạng ở nhiều nơi và khả năng sẽ tăng mạnh đang đe dọa nhiều nơi khác. Cả biện pháp đối phó ở nơi này lẫn dự định phòng ngừa ở nơi khác đều chưa hẳn đã quyết liệt và đồng bộ đủ mức. Lại càng chưa có được sự phối hợp hành động trên bình diện quốc tế về phương diện chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát hiệu quả hơn. Chiến tranh tiền tệ là chuyện khó xảy ra, nhưng cạnh tranh tiền tệ thì lại ngày càng quyết liệt. Mặt bằng lãi suất thấp, khối lượng cung ứng tiền tệ lớn và việc kích cầu vẫn còn rất cần thiết khiến ở đâu cũng vẫn thấy chính sách tiền tệ được nới lỏng. Nếu ở đâu đó có nâng lãi suất cơ bản thì cũng chỉ ở mức độ tượng trưng, mang thông điệp chính trị là chính. Dự báo chung là, có lẽ phải trong tháng 4 tới thì mặt bằng lãi suất cơ bản chung mới có thể được nâng dần lên. Trong bối cảnh ấy, bất đồng quan điểm về đồng tiền yếu hay đồng tiền mạnh giữa các đồng tiền mạnh với nhau và giữa các đối tác kinh tế thương mại lớn trên thế giới với nhau là chuyện không có gì lạ.

Có thể khái quát tất cả những mảng tối trong bức tranh về môi trường kinh tế quốc tế hiện tại sự mất cân đối. Đó là những mất cân đối về mức độ phục hồi và tăng trưởng, về hoạt động ổn định và rủi ro ở các thị trường tài chính, mất cân đối về tiền tệ và thương mại, về thâm hụt ngân sách quốc gia và mức độ vay nợ công. Chúng tồn tại song hành với những mất cân đối giữa các nền kinh tế, giữa các khu vực và châu lục với nhau về kinh tế, tài chính, thương mại và tiền tệ. G20 muốn mà vẫn chưa khắc phục được những mất cân đối này. Một mình G8 không thôi đâu có đủ khả năng làm chuyện ấy! Vì những mất cân đối này mà môi trường kinh doanh quốc tế hiện tại không thể đảm bảo cho cạnh tranh công bằng và bình đẳng, không thể ngăn cản được chủ nghĩa bảo hộ, không thể loại trừ được nguy cơ khủng hoảng cục bộ. Cho nên mới nói: chưa kịp mừng đã phải lo.

Lư Châu
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp