Mở đường cho hòa giải thương mại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hôm qua – 12/12, tại cuộc Tọa đàm về Hòa giải thương mại do Nhà Pháp luật Việt Pháp tổ chức, nhiều ký kiến tiếp tục  chỉ ra các ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp này….

Theo các chuyên gia pháp luật, đặc trưng của hòa giải là mềm dẻo, linh hoạt và nhanh hơn so với tòa án. Với phương thức giải quyết tranh chấp này,  việc quyết định giải quyết theo điều kiện, thủ tục nào hoàn toàn do các bên quyết định và hòa giải viên không có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc các bên phải tuân theo. Mặt khác, với bản chất quyết định giải quyết tranh chấp là sự thỏa thuận của các bên, nên các bên hoàn toàn có thể sáng tạo trong cách giải quyết, để hai bên cùng có lợi.

 Trên thế giới, hòa giải thương mại rất phổ biến và được các doanh nhân, doanh nghiệp ưa chuộng, vì kể cả so với phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, hòa giải cũng có những điểm khác biệt với nhiều ưu thế hơn. Kết quả giải quyết tranh chấp bằng trọng tài  luôn có bên thắng và bên thua do Hội đồng trọng tài phán quyết, song trong hòa giải thương mại, không có bên thắng, bên thua mà cả hai bên đều thắng  – mối quan hệ giữa hai bên không bị “sứt mẻ”; thậm chí, có thể “bắt tay bền chặt hơn”.

Bà Joelle Duchet Nespoux – Luật sư Đoàn Luật sư Paris – chia sẻ, có 7 ưu thế của hòa giải mà các bên tranh chấp cần phải biết, đó là “sự tự quyết định, nhanh chóng, bảo toàn mối quan hệ, bí mật, khách quan, hiệu quả và tiết kiệm”. Đặc biệt, hòa giải có thể đảm bảo các buổi nói chuyện được giữ bí mật hoàn toàn (kể cả với thẩm phán). Thực tế, các hòa giải viên ở Pháp phải tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp, với những nghĩa vụ như độc lập, trung lập, khách quan, bí mật, trung thực và đối xử với các bên như nhau.

Theo luật sư này, tại Pháp, thỏa thuận hòa giải có dạng như hợp đồng thể hiện quan điểm thống nhất hiệu lực giữa các bên. Hiệu lực thi hành thỏa thuận hòa giải được thực thi theo thỏa thuận giữa các bên (có thể hoặc không có sự công nhận của tòa án) và được pháp luật công nhận và cưỡng chế thi hành.

Tuy nhiên, trong khi ở nhiều nước các tranh chấp thương mại được giải quyết bằng con đường hòa giải chiếm đến 95% các vụ tranh chấp,  thì thực tế đang diễn ra ở Việt Nam lại hoàn toàn ngược lại. Trung bình mỗi năm mỗi trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chỉ xử 0,25% vụ, trong khi thẩm phán ở Tòa kinh tế TP. Hà Nội xử hơn 30 vụ/năm; thẩm phán ở Tòa kinh tế TP. Hồ Chí Minh xử khoảng trên 50 vụ/năm.

TS. Nguyễn Thị Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho rằng, tâm lý người Việt vẫn đang “sính” giải quyết tranh chấp bằng tòa án, nên muốn thỏa thuận hòa giải thương mại được thực thi thì pháp luật Việt Nam nên quy định cụ thể về giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành.

Theo đó, trong trường hợp hòa giải thành thì biên bản hòa giải thành đối với các vụ tranh chấp sẽ có hiệu lực pháp luật. Trọng tài và tòa án sẽ không thụ lý đối với những vụ đã hòa giải thành qua Trung tâm Hòa giải thương mại. Nếu một trong hai bên không thi hành, thì có thể đề nghị tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành. Quyết định này sẽ được thi hành như một bản án của tòa án.

Việt Nam, với bản sắc văn hóa “một bồ cái lý không bằng một tý cái tình”, rõ ràng là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại. Thế nhưng, đã qua nhiều năm hội nhập, cho đến nay ở Việt Nam, hòa giải thương mại vẫn chưa thực sự được coi là phương thức giải quyết tranh chấp độc lập, chưa có định nghĩa, quy định và cơ chế pháp lý cho hòa giải thương mại. Đó chính là một nghịch lý cần được hóa giải sớm, nói một cách ví von, là để mở đường cho hòa giải.

Mai Hoa
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam