Một cửa, một cửa liên thông vẫn chưa thông suốt
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Có những chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ sau 4 năm thực hiện Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22.6.2007, tuyệt đại bộ phận các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương đã triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trong đó, ở cấp xã đã có 10.754/11.111 đơn vị, cấp huyện có 686/ 697 đơn vị, cấp tỉnh có 1.106/1.252 đơn vị. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông được các địa phương áp dụng trong công việc và thủ tục hành chính liên quan trực tiếp tới cá nhân và tổ chức như đất đai, đăng ký kinh doanh, hộ tịch, lao động, thương binh và xã hội, xây dựng, công chứng, chứng thực, thuế, hải quan… Báo cáo của các địa phương cho thấy, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã thực hiện theo cơ chế một cửa với hơn 100 thủ tục hành chính tập trung ở 5 – 9 lĩnh vực như công chứng, chứng thực, tư pháp – hộ tịch, chính sách xã hội, xây dựng, địa chính, giải quyết việc làm… Ở cấp huyện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trung bình 7 lĩnh vực như đất đai, cấp phép đăng ký kinh doanh, chứng thực, hộ tịch, chính sách xã hội, xây dựng… Các sở, ngành cấp tỉnh thực hiện giải quyết theo cơ chế một cửa ở các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng, công nghiệp, thương mại, giao thông vận tải, lao động, thương binh và xã hội, tài chính, thuế…

Trong thực hiện cơ chế một cửa liên thông, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức thực hiện ít nhất từ một đến nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, lao động, thương binh và xã hội. Hầu hết các địa phương đã xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp trong việc thực hiện liên thông trên các lĩnh vực: đất đai, thuế, xây dựng, lao động – thương binh và xã hội, hộ tịch… Tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Đăk Nông, Quảng Bình, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An… đã xây dựng Đề án thực hiện cơ chế một cửa liên thông khá công phu.

Có thể nhận thấy, cơ chế một cửa, một cửa liên thông là giải pháp thay đổi hữu hiệu về phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương các cấp, tạo chuyển biến cơ bản trong quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí, thời gian, công sức cho tổ chức, công dân. Đồng thời là biện pháp tích cực từng bước tách dần công việc quản lý chuyên sâu với các công việc sự vụ.

Nhưng vẫn lúng túng…

Thực tế tại các địa phương cho thấy, chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở một số địa phương còn thấp, nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức. Việc thực hiện các thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn gây khó khăn, bức xúc cho người dân, vẫn còn nhiều hồ sơ giải quyết không đúng hẹn làm người dân phải đi lại nhiều, phải mất những khoản chi phí ngoài quy định. Có nơi người dân và tổ chức vẫn phải gặp cán bộ các phòng chuyên môn sau khi đã nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Đây cũng là “mảnh đất” phát sinh tiêu cực trong hoạt động của cơ quan hành chính. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các địa phương chưa thống nhất, dẫn đến mô hình tổ chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có sự khác nhau. Cụ thể, một số địa phương đã sắp xếp và tổ chức lại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện theo hướng tách việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường; lĩnh vực đăng ký kinh doanh về Phòng Tài chính – Kế hoạch hoặc Phòng Kinh tế; lĩnh vực chứng thực, hộ tịch chuyển về Phòng Tư pháp và tại các phòng chuyên môn này cũng thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa. Như vậy, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện đã bị phân tán về các phòng chuyên môn, không đúng với quy định của Quyết định 93. Tương tự, tại cấp xã còn có hiện tượng người dân đến nộp hồ sơ trực tiếp tại từng phòng làm việc của các bộ phận chuyên môn. Tại cấp tỉnh, do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, cũng như do nhận thức khác nhau về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông nên một số sở, ngành đã tổ chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đối với từng lĩnh vực công việc tại từng phòng chuyên môn của sở, ngành đó dẫn đến việc trong một cơ quan hành chính tồn tại nhiều Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, mặc dù vẫn bảo đảm nguyên tắc “nhận hồ sơ và trả kết quả ở cùng một nơi”.

Đối với cơ chế liên thông, có thể thấy sự “liên thông” trong xử lý các công việc cho người dân và tổ chức còn thấp, nên mặc dù thực hiện liên thông nhưng người dân và tổ chức vẫn phải đến nhiều nơi để giải quyết các thủ tục hành chính. Thực hiện liên thông giữa các cấp hành chính còn khó khăn, đặc biệt là liên thông giữa cơ quan hành chính ở địa phương với cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn thì phần lớn các địa phương chưa thực hiện được.

Cần thống nhất và tập trung

Chính vì thế, một trong những đề xuất nội cộm từ các địa phương chính là đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương thống nhất thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tập trung tại các cấp hành chính ở địa phương theo đúng quy định của Quyết định 93. Tại cấp tỉnh, cấp huyện chỉ tổ chức một Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung tại Văn phòng các sở, ngành và Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Đặc biệt, cần giải quyết ngay việc tổ chức chưa thống nhất Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cấp huyện hiện nay.

Bên cạnh việc thống nhất, tập trung trong việc thực hiện Quyết định 93, cần sớm ban hành Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương thay thế Quyết định 93 nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý và tính thống nhất trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại địa phương. Nghị định này, sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ hơn cho việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại địa phương, bao gồm quy định rõ các lĩnh vực công việc thực hiện theo cơ chế một cửa, các lĩnh vực công việc thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông; các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, cán bộ, công chức, tài chính, cơ chế, chính sách trong việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông và quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.

Phùng Hương
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân