Mua bán ngoại tệ trái phép: Ngân hàng cũng có lỗi
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Mặc dù hàng loạt giải pháp đã được đưa ra để bình ổn thị trường ngoại hối, nhưng tỉ giá trên thị trường chợ đen hiện vẫn quá “vênh” so với tỉ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại. Lượng ngoại tệ chảy vào ngân hàng cũng chưa được cải thiện, các nhà xuất khẩu lại không muốn bán lại ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước, trong khi nhu cầu đang gia tăng. Vì vậy, các cơ quan quản lý đang tính đến việc sử dụng biện pháp mạnh tay hơn để lập lại trật tự trên thị trường tự do.

Vì đâu nên nỗi?

Theo quy định, các tiệm vàng không được thu đổi ngoại tệ (vì các tiệm vàng không có giấy phép hoạt động chức năng này) và nếu bị phát hiện, lực lượng thanh tra sẽ tịch thu toàn bộ số ngoại tệ đang giao dịch. Thế nhưng, trên thực tế, các tiệm vàng vẫn công khai mua bán USD. Nguồn ngoại tệ mà các tiệm vàng thu gom được sẽ đem bán lại cho một số ngân hàng có nhu cầu. Đó là một trong những lý do khiến tình trạng “hai giá” trong mua bán ngoại tệ không thể chấm dứt, dù đã có nhiều biện pháp.

Bản thân các quầy thu đổi ngoại tệ trực thuộc một số ngân hàng trên địa bàn TP.HCM cũng mua bán ngoại tệ không đúng với tỉ giá niêm yết của ngân hàng. Tại quầy thu đổi ngoại tệ của một ngân hàng đang hoạt động trên đường Lê Lợi, quận 1, TP.HCM, nếu khách vào mua ngoại tệ sẽ được nhân viên hướng dẫn ra bàn phía sau để giao dịch. Tỉ giá VND/USD tại đây cũng được tính theo tỉ giá trên thị trường chợ đen, với mức giao dịch trong ngày 29.1 là 19.520-19.420 VND/USD (mua – bán), cao hơn 200-300 VND/USD so với đầu tháng 1.2010. Trong khi đó, tỉ giá do ngân hàng này niêm yết cùng ngày chỉ ở mức 18.465-18.479 VND/USD.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, quan hệ cung cầu ngoại tệ trong những tháng gần đây chưa ổn định. Trong đó, nhu cầu ngoại tệ có xu hướng tăng, do nhập siêu tăng, trong khi nguồn thu ngoại tệ lại giảm. ĐIều này đã tạo áp lực lớn lên tỉ giá.

Bên cạnh đó, diễn biến tỉ giá trên thị trường tự do luôn biến động và khá phức tạp. Mức chênh lệch giữa tỉ giá trên thị trường tự do luôn “vênh” với tỉ giá niêm yết trong ngân hàng. Chính sự gia tăng khoảng cách giữa tỉ giá tự do với tỉ giá niêm yết đã làm cho yếu tố đầu cơ, găm giữ ngoại tệ tiếp tục xuất hiện. Điều này đã tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối trên địa bàn TP.HCM.

Ngoài ra, mặc dù lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong cuối năm 2009 tăng mạnh, nhưng số tiền này không nằm lại các ngân hàng. Và những người nhận kiều hối cũng không muốn bán lại cho ngân hàng mà chủ yếu đem ra thị trường chợ đen khi có nhu cầu chuyển đổi sang tiền đồng để chi tiêu.

Trong cuộc họp tổng kết ngành năm 2009 khu vực TP.HCM mới đây, ông Trần Xuân Huy, Tổng Giám đốc Sacombank, đã đề xuất ý kiến với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu về việc gia tăng thêm khuyến mãi (tức nếu cộng vào tỉ giá thì sẽ vượt mức niêm yết của Ngân hàng). Theo ông, có như vậy mới thu hút được nguồn kiều hối ở lại ngân hàng.

Ông Huy cho biết, trong năm 2009, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam qua Công ty Kiều hối trực thuộc Sacombank đạt 850 triệu USD, nhưng lượng kiều hối khách hàng bán lại cho Ngân hàng chỉ chiếm 10%.

 

Tính chung cả năm 2009, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ước đạt trên 6,2 tỉ USD. Song cung cầu ngoại tệ vẫn chưa được cân đối và thị trường luôn ở tình trạng cầu áp đảo cung. Chính yếu tố này đã tạo cơ hội “làm giá” trên thị trường chợ đen và tỉ giá càng biến động thất thường khi nhu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu tăng cao.

Theo ông Lê Kim Hòa, Giám đốc Ngân hàng BIDV – Chi nhánh TP.HCM, đối với việc kinh doanh ngoại tệ, vai trò mua bán USD của Ngân hàng đã mất đi mà chủ yếu khách hàng tự giao dịch với nhau. Nguồn ngoại tệ không vào được Ngân hàng do tỉ giá giao dịch trên thị trường chợ đen cao hơn nhiều so với tỉ giá niêm yết tại Ngân hàng.

Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, trong buổi họp tổng kết cuối năm tại khu vực TP.HCM, thị trường ngoại tệ biến động trong thời gian qua một phần cũng chính là do các ngân hàng thương mại đã tham gia làm mất tính cân đối cung cầu. Theo ông, nếu nhìn vào thực tế, các ngân hàng cũng có găm giữ ngoại tệ, ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối.

Mạnh tay chấn chỉnh

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM, cho biết, đang xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân TP.HCM và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để đề ra biện pháp mạnh tay hơn đối với hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép. Ông cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước một mình không thể xử lý mọi vi phạm mà cần có sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng thuộc ngành công an, Sở Công Thương…

Năm qua, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM đã có các đợt kiểm tra, rà soát lại giấy phép để lập lại trật tự đối với các quầy thu đổi ngoại tệ, nhằm ổn định thị trường và kéo dần tỉ giá trên thị trường chợ đen về sát với tỉ giá niêm yết tại ngân hàng thương mại. Vì vậy, không ít ngân hàng đã bị thu hẹp hệ thống các quầy thu đổi ngoại tệ. Ông Đào Hồng Châu, Phó Tổng Giám đốc Eximbank, cho biết, số lượng các quầy ngoại tệ hiện có của Ngân hàng chỉ còn vài quầy so với số lượng vài chục quầy trước đây và các giao dịch mua bán đều thực hiện theo quy định.

Cũng trong năm qua, lực lượng thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan ban ngành xử lý gần 40 trường hợp niêm yết giá bán hàng hóa bằng ngoại tệ. Và riêng trong tháng đầu của năm 2010 đã xử lý 2 vụ với mức phạt cao nhất là 25 triệu đồng.

Ông Minh cho biết, hiện có 83 quầy thu đổi ngoại tệ ngoài hệ thống ngân hàng được cấp giấy phép hoạt động tại TP.HCM. Tuy nhiên, số tiệm vàng có thu đổi ngoại tệ thì không thể nào đếm hết. Đó là lý do khiến việc kiểm soát tình trạng mua bán ngoại tệ trái phép trở nên khó khăn.Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra Ngân hàng Nhà nước TP.HCM phối hợp với các cơ quan ban ngành phát hiện 9 vụ mua bán ngoại tệ trái phép và đã xử lý được 8 vụ với mức phạt 57,5 triệu đồng/vụ, chủ yếu thuộc về doanh nghiệp kinh doanh vàng

Dù lượng kiều hối về Việt Nam cuối năm 2009 tăng, nhưng số tiền này không nằm lại trong ngân hàng. Người nhận kiều hối cũng không muốn bán cho ngân hàng vì tỉ giá thấp hơn tỉ giá chợ đen.

Nguồn: Tạp chí Nhịp cầu đầu tư điện tử