Mũi ‘đột phá của đột phá’
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ngày 6/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập hội nghị về ngành tôm Việt Nam và tại đây, ông đã đưa ra mục tiêu, tầm nhìn, chỉ đạo những giải pháp cụ thể để phát triển ngành này. Theo đó, Việt Nam, trước hết là Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Việt Nam phấn đấu trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới.

Đây là hội nghị chuyên đề đầu tiên về phát triển một ngành kinh tế cụ thể được Thủ tướng triệu tập kể từ khi nhậm chức và có lẽ cũng là hội nghị tương tự đầu tiên từ trước tới nay được tổ chức. Những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị đã nhận được sự ủng hộ rất cao từ các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân.

Trước hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành sự quan tâm đặc biệt tới nông nghiệp công nghệ cao như một lợi thế phát triển của Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là việc người đứng đầu Chính phủ quyết ngay gói tín dụng lên tới 100.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này. Ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng cũng đã nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Nay, Thủ tướng tiếp tục triệu tập và chủ trì hội nghị về phát triển ngành tôm – một mũi nhọn phát triển của nông nghiệp Việt Nam gắn liền với công nghiệp chế biến. Có thể nói, ngành tôm đã được xác định là “mũi nhọn của mũi nhọn’, “đột phá của đột phá” trong phát triển kinh tế-xã hội.

Việc xác định vị trí như trên của ngành tôm dựa trên những cơ sở vững chắc. Nhiều ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng lợi thế của con tôm so với các sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam là tuyệt đối, từ điều kiện tự nhiên, giá trị xuất khẩu, thị trường đến trình độ canh tác, sự phát triển của của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Bộ NN&PTNT cũng xác định ngành tôm đặc biệt có tiềm năng lợi thế  trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, còn trên thế giới, chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, giá tôm hầu như chưa bị mất giá hoặc bị khủng hoảng về giá.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam đối diện 3 thách thức là sản xuất hộ nhỏ lẻ; biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. “Chúng ta phải lựa chọn đối tượng, mặt hàng sản xuất mà Việt Nam có lợi thế. Đối tượng đó phải thích ứng được biến đổi khí hậu và con tôm là đối tượng hàng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, Chính phủ kiến tạo không chỉ là xây dựng, hoàn thiện thể chế, thiết lập “luật chơi”, mà trong nhiều trường hợp, còn phải xác định chiến lược, tầm nhìn phát triển, làm “bệ đỡ” cho sự phát triển. Có thể thấy, với việc triệu tập hội nghị về phát triển ngành tôm và rộng hơn là với việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Chính phủ, Thủ tướng đang hướng tới mục tiêu làm “bệ đỡ” cho các ngành này phát triển.

Tất nhiên, điều đó khác hoàn toàn với việc can thiệp hành chính thô bạo, không phù hợp với các quy luật của thị trường. Ngược lại, những “bệ đỡ” đó sẽ dựa trên nền tảng chính sách tôn trọng những quy luật của thị trường, hỗ trợ bằng cách tạo dựng một môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển, phát huy sức sáng tạo của người dân, xử lý những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Quyết tâm đã cao, tầm nhìn đã được xác định, nhiệm vụ đã được giao, chính sách sẽ sớm được hoàn thiện. “Hội nghị Diên Hồng” về phát triển ngành tôm dưới sự chủ trì của Thủ tướng được kỳ vọng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới với ngành tôm nói riêng và với nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Hà Chính

Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Mui-dot-pha-cua-dot-pha/298143.vgp