"Án" tín dụng: Lặt vặt nhưng… khó gỡ!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong một hội thảo trao đổi nghiệp vụ mới đây, Tòa Kinh tế TAND TP.HCM cho biết nhìn chung tranh chấp tín dụng không phức tạp, không đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức nghiên cứu như các loại tranh chấp khác trong án kinh doanh thương mại. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử lại phát sinh một số vướng mắc gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết án.

Người bảo lãnh thiếu hợp tác

Theo Tòa Kinh tế TAND TP.HCM, cái vướng đầu tiên là người bảo lãnh khoản vay (người thứ ba mang tài sản ra bảo đảm) thiếu thiện chí hợp tác với tòa, làm ảnh hưởng đến việc giải quyết án. Có những vụ, nhiều người cùng đứng ra bảo lãnh cho một khoản vay, khi phát sinh tranh chấp, họ là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, khi được tòa án triệu tập đến tòa, họ tỏ ra thiếu hợp tác ngay từ khâu hòa giải và cung cấp chứng cứ. Ra tòa, rất ít khi họ cùng lúc có mặt, khiến nhiều vụ tòa phải hoãn xử đi hoãn xử lại để triệu tập. Thậm chí nhiều người còn bỏ đi nơi khác sinh sống hoặc cùng gia đình xuất cảnh ra nước ngoài.

Cạnh đó, có trường hợp tài sản thuê, tài sản bảo đảm bị bên thuê, bên vay hoặc bên bảo lãnh đem gán nợ hoặc bán đứt cho người khác. Vì không biết rõ tài sản đó hiện ở đâu, ai chiếm giữ nên bên cho thuê, cho vay không thể yêu cầu tòa thu hồi, phát mãi được. Quá trình xét xử đến đây gặp khó khăn bởi tòa không thể tuyên thu hồi hoặc phát mãi, mà nếu có tuyên thì cũng không thể thi hành án được. Ngoài ra, về mặt thủ tục tố tụng cũng gặp lấn cấn bởi tòa không xác định được người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để đưa vào vụ án.

Xử tranh chấp trong các hợp đồng tín dụng thường phát sinh một  số vướng mắc gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết án.Trong ảnh: Công chứng hợp đồng tín dụng tại Phòng Công chứng số 1, TP.HCM. Ảnh minh họa: HTD

Ngân hàng tính lãi trên lãi, được không?

Một vướng mắc khác, trong các hợp đồng tín dụng, các ngân hàng thường đưa vào thỏa thuận là người vay phải trả tiền phạt khi chậm trả lãi suất theo kỳ hạn (tức tính lãi trên lãi). Thỏa thuận phạt này thường dưới hai hình thức: Phạt một lần theo tỉ lệ % trên số tiền lãi chậm trả (không cần biết thời gian chậm trả là bao lâu) và phạt lãi trên lãi theo mức lãi suất riêng và thời gian chậm trả.

Theo Tòa Kinh tế TAND TP.HCM, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về việc xử lý loại thỏa thuận này nên mỗi thẩm phán có một cách hiểu khác nhau: Có thẩm phán nói phải cương quyết bác bỏ thỏa thuận ngay từ đầu vì luật chỉ quy định tính lãi trên nợ gốc chứ không quy định việc tính lãi trên lãi. Có thẩm phán lại bảo nếu ngân hàng có yêu cầu thì tòa nên chấp nhận tính theo thỏa thuận phạt trong hợp đồng vì thỏa thuận đó không trái pháp luật. Một quan điểm thứ ba trung dung hơn thì cho rằng tòa chỉ nên chấp nhận thỏa thuận trong trường hợp hai bên hòa giải thành, còn nếu vụ án phải đưa ra xét xử thì tòa nên bác bỏ.

Trước các vướng mắc khó gỡ trên, lãnh đạo Tòa Kinh tế TAND TP.HCM đã kiến nghị TAND Tối cao cần sớm có nghị quyết hướng dẫn để việc xét xử gặp thuận lợi và thống nhất.

Tẩu tán tài sản, khởi tố được không?

Theo Tòa Kinh tế TAND TP.HCM, khi phát hiện bên thuê, bên vay, bên bảo lãnh đem tài sản thuê, tài sản bảo đảm trong vụ án đi gán nợ hoặc bán cho người khác, tòa đã có công văn kiến nghị VKS cùng cấp xem xét khởi tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140 BLHS nhưng không được VKS chấp nhận. Lý do theo cơ quan điều tra, VKS là không đủ yếu tố cấu thành tội vì người gán nợ hoặc bán tài sản đó không có dấu hiệu bỏ trốn.

Tòa Kinh tế TAND TP.HCM cho rằng không cần phải có yếu tố bỏ trốn mà cả trường hợp dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt cũng có thể coi là đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Do đó, tòa đề nghị cần có sự trao đổi liên ngành, ban hành các thông tư liên tịch hướng dẫn để áp dụng thống nhất.

Phân quyền cho tòa cấp huyện

Khoản 1 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành quy định các tranh chấp về đầu tư, tài chính, ngân hàng do tòa án cấp tỉnh xử sơ thẩm. Thực tế có nhiều tranh chấp về hợp đồng tín dụng có giá trị không lớn, không có nhiều tình tiết phức tạp (ở nông thôn chủ yếu xoay quanh chuyện vay tiền nuôi heo, nuôi gà…), cứ giao hết cho tòa cấp tỉnh xử như hiện nay là chưa hợp lý. Trong khi đó, nhiều tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa xây dựng rất khó khăn, phức tạp lại đẩy xuống tòa cấp huyện.

Do đó, sắp tới chúng ta cần sửa luật theo hướng quy định rõ các tranh chấp hợp đồng tín dụng sẽ do TAND cấp huyện xử để giảm tải cho tòa cấp trên.

Thẩm phánNGUYỄN VĂN TIẾN,Tòa Kinh tế TAND Tối cao

Chú trọng khâu hòa giải

Do đặc thù thường là mối quan hệ giữa khách hàng với ngân hàng có liên quan đến chuyện làm ăn và uy tín nên các tranh chấp tín dụng luôn có tỉ lệ hòa giải thành rất cao. Chẳng hạn năm 2010, tỉ lệ hòa giải thành loại án này tại TAND TP.HCM chiếm trên 50% số vụ được giải quyết. Do đó, tôi cho rằng hòa giải là một biện pháp cần được các tòa tận dụng tối đa để tránh quá tải vì các tranh chấp tín dụng đang có xu hướng ngày càng nhiều và phức tạp hơn.

Một thẩm phán TAND TP.HCM

SONG NGUYỄN
p