Năm 2010: Việt Nam có thể đối mặt với thâm hụt thương mại và lạm phát cao
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các chuyên gia của Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa biên giai đoạn 3 (MUTRAP III) cho biết, cán cân thanh toán có thể duy trì trong thời gian dài chỉ khi Việt Nam có thể trả hết nợ nước ngoài nhờ thặng dư thương mại lớn trong tương lai. Ngược lại, cán cân thanh toán rơi vào khủng hoảng ngắn hạn nếu các khoản nợ ngắn hạn không được ưu đãi và dự trữ không đủ để bù đắp nhập khẩu ròng.

Về tình hình cán cân thanh toán của Việt Nam, năng lực xuất khẩu của Việt Nam vướng phải một số bất lợi như: Chưa thực sự hội nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực; giá trị gia tăng thấp; tính dễ bị tổn thương và tập trung cao của các mặt hàng xuất khẩu chính; quy mô xuất khẩu thấp; nhu cầu quốc tế thấp… Trong khi đó, những yếu tố tác động đến sức hút nhập khẩu của Việt Nam như Sản xuất để xuất khẩu vẫn đòi hỏi nguồn nhập khẩu lớn; Tính bất ổn của giá cả hàng hóa trên thế giới; Hoạt động đầu cơ; Thuế suất thấp và hệ quả của việc gia nhập WTO cũng như các Hiệp định thương mại song phương.

Theo các điều khoản về cán cân thanh toán của WTO, các nước thành viên có quyền áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu theo những điều kiện nhất định. WTO có ngoại lệ cho phép áp dụng hạn chế nhập khẩu nhằm bảo vệ tình hình tài chính đối ngoại và cán cân thanh toán (BOP), và trong trường hợp các nước đang phát triển, nhằm bảo đảm mức dự trữ đủ để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế.

Cụ thể, Điều luật cơ bản của WTO (Điều XVIII:B của GATT 1994) quy định rằng, một nước đang phát triển “để bảo đảm an toàn cho vị thế tài chính bên ngoài và đảm bảo một mức độ dự trữ đủ để thực thi chương trình phát triển kinh tế, nước đó có thể kiểm soát mức độ chung về nhập khẩu”. Các biện pháp về cán cân thanh toán chỉ có tính chất tạm thời, dựa vào giá cả (chẳng hạn phụ thu nhập khẩu), minh bạch và được áp dụng cho nhập khẩu trên toàn biên giới. Quy mô của các hạn chế nhập khẩu có thể vượt quá mức độ cần thiết để khắc phục vấn đề nảy sinh về cán cân thanh toán.

Các nước thành viên áp dụng các điều khoản về cán cân thanh toán phải thông báo và tham vấn các hạn chế nhập khẩu với Ủy ban Cán cân thanh toán của WTO. Từ đầu những năm 1970, sau sự sụp đổ của hệ thống tỷ giá hối đoái cố định, số lượng các nước tham vấn Ủy ban này ngày một ít đi. Trong 5 năm đầu tiên sau khi thành lập WTO, ngoài một số ít nước đang phát triển có tham vấn trong thời kỳ GATT, mọi nước thành viên WTO có nền kinh tế chuyển đổi đều đưa ra các hạn chế nhập khẩu với các lý do về cán cân thanh toán theo Điều XII của GATT 1994. Nhưng các nước này đều được Ủy ban yêu cầu giảm dần các hạn chế này và áp dụng các biện pháp kinh tế vĩ mô để giải quyết vấn đề về cán cân thanh toán. Giữa năm 2001 và 2008, không thấy nước nào tham vấn Ủy ban về cán cân thanh toán. Từ khi khủng hoảng kinh tế bùng nổ, hai nước Ecuador và Ukraine đã thông báo về các hạn chế trong cán cân thanh toán cho Ủy ban và tham vấn ý kiến tư vấn của Ủy ban này. Cả hai nước đều nhận được sự tiếp đón lạnh nhạt của Ủy ban và được yêu cầu giảm dần tất cả các hạn chế trong một vài tháng.

Việc mở cửa nền kinh tế Việt Nam ra thế giới bên ngoài, đặc biệt là gia nhập WTO và tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đã gia tăng nhập khẩu. Nếu nhập khẩu tăng làm nẩy sinh những vấn đề mới cho nền kinh tế nội địa, thì Việt Nam có nhiều khả năng để áp dụng các hạn chế nhập khẩu, phù hợp với luật lệ trong nước và các cam kết quốc tế (WTO, FTA và cam kết song phương), bao gồm: tăng thuế suất lên mức thuế cam kết, áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống đối kháng và xem xét áp dụng Điều XXVIII của GATT năm 1994 (Sửa đổi biểu cam kết thuế) để đàm phán lại các nhượng bộ về thuế quan khi gia nhập WTO.

Câu hỏi đặt ra là việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu nhằm bảo vệ tình hình tài chính đối ngoại và cán cân thanh toán (BOP) liệu có thể dễ dàng áp dụng đối với Việt Nam? Về vấn đề này, ông Peter Naray- chuyên gia của MUTRAP- nhận định, các vấn đề của Việt Nam chưa tới mức nghiêm trọng và vẫn có thể kiểm soát được. Vì nhiều lý do, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn chưa bị coi là tình trạng báo động. Lý do thứ nhất là do các món nợ ngắn hạn của Việt Nam có thể được trả đúng hạn. Mức độ dự trữ hiện nay là cao hơn so với các năm trước và vì có ít yêu cầu trả các khoản nợ nhỏ ngắn hạn, nên không có thúc bách lớn cần phải dự trữ quốc tế trong ngắn hạn và trung hạn. Các dự trữ đủ lớn với kim ngạch nhập khẩu và sự mất cân đối thương mại của Việt Nam đã có dấu hiệu chứng tỏ được phục hồi trong năm 2009. Hơn nữa, các dòng vốn quốc tế được dự báo sẽ trở lại xu thế như trước đây, khi nền kinh tế thế giới khởi sắc vào năm 2010. Điều quan trọng là Việt Nam vẫn giữ được niềm tin đối với nền kinh tế, đảm bảo làm giảm thiểu sự di chuyển vốn.

Bên cạnh đó, việc thông qua các biện pháp hạn chế thương mại để khắc phục tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai hiện nay, bắt đầu từ hạn chế nhập khẩu cho đến tăng thuế quan chỉ nên coi đây là giải pháp cuối cùng. Bởi giải pháp này có thể bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam: Thứ nhất, Việt Nam có thể xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu cao về nhập khẩu của một số nước, việc áp các biện pháp hạn chế nhập khẩu sẽ làm mất tính cạnh tranh trong xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai, việc áp dụng chính sách thương mại thay đổi như vậy có thể dẫn đến tình trạng một số dự án đầu tư có vốn trực tiếp nước ngoài sẽ rút về hoặc đóng băng, vì những dự án này cần nhập khẩu cho đầu vào hoặc công nghệ của họ. Thứ ba, những biện pháp như vậy có thể gây mất lòng tin của nhà đầu tư đối với viễn cảnh kinh tế của Việt Nam. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng di chuyển vốn và tạo ra áp lực làm mất giá đồng tiền Việt Nam.

Ngoài ra, nhóm chuyên gia Dự án EU – Việt Nam MUTRAP III, Paul Baker và Peter Naray cũng kiến nghị những chính sách mà Việt Nam có thể áp dụng. Trong ngắn hạn, đó là: giảm thuế suất treo; giảm các biện pháp khắc phục thương mại; Cải thiện chính sách thương mại; Tập trung giải quyết thâm hụt kép; xây dựng lòng tin về đồng tiền Việt Nam đi kèm duy trì sự ổn định giá cả; đánh giá nợ ngắn hạn và giới hạn mức trần tài khóa và tiền tệ, cải thiện thông tin thống kê… Trong trung – dài hạn có thể áp dụng các chính sách như: tập trung giải quyết những mất cân đối kinh tế vĩ mô và các vấn đề quản lý thông thường; tăng cường các biện pháp thương mại trong nước; xây dựng các chính sách bình ổn nhằm giảm bớt những dao động; tăng cường các dịch vụ hỗ trợ trong nước và đặc biệt là cải thiện trình độ nguồn nhân lực ở Việt Nam.

Nguồn: Báo điện tử Công thương