Năm 2050: Việt Nam có thể nằm trong nhóm 10 nền kinh tế chi phối châu Á
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là báo cáo thứ 5 trong chuỗi báo cáo ANZ insight  – những nghiên cứu về hoạt động thương mại kinh tế trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương do Ngân hàng ANZ thực hiện.

Trong báo cáo này ANZ cho rằng: Cuộc cách mạng tài chính ở châu Á đã bắt đầu. Đây là “thế kỷ châu Á”, ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Dựa trên xu thế hiện nay, vào năm 2050, châu Á sẽ là khu vực kinh tế lớn nhất thế giới. Vào giữa thế kỷ này dự kiến châu Á sẽ chiếm khoảng một nửa GDP nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất châu Á và sẽ sớm vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hiện nay châu Âu và Mỹ chiếm gần một nửa nền kinh tế thế giới trong khi châu Á chỉ chiếm 25%. “Thế kỷ châu Á” sẽ lật ngược tình hình.

ANZ dự báo: Đến năm 2050 tỷ trọng nền kinh tế toàn cầu của Mỹ và châu Âu có thể tụt xuống 20%, nhường vị trí khu vực kinh tế lớn nhất thế giới cho châu Á, một điều chưa từng có trong lịch sử và khác hoàn toàn với bức tranh của hơn 200 năm qua.

Trong đó, Trung Quốc sẽ là trung tâm của sự phát triển của hệ thống tài chính châu Á. “Dự báo của chúng tôi cho thấy rằng hệ thống tài chính của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trong những năm 2020 và đầu năm 2030. Tổng khối lượng khu vực tài chính của Trung Quốc dự kiến sẽ tương đương với Mỹ và châu Âu cộng lại” – theo báo cáo của ANZ.

Đặc biệt, ANZ dự đoán sự cất cánh kinh tế của châu Á sẽ chịu sự chi phối của 10 nền kinh tế chính ở châu Á. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam có thể sẽ là 10 nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến cả châu Á lẫn nền kinh tế toàn cầu.

ANZ gọi 10 nền kinh tế này là “châu Á 10”. Cùng với nhau, 10 nền kinh tế này đã có GDP gần 17 nghìn tỷ USD (87% tổng GDP châu Á) và tổng dân số gần 3,3 tỷ người (chiếm 70% tổng số dân châu Á) vào năm 2012.

ANZ nhận định: “Đến năm 2050, “châu Á 10” dự kiến sẽ chiếm hơn 90% GDP của châu Á và hơn 75% dân số châu Á. Các nền kinh tế sẽ không chỉ thống trị châu Á. Bởi chính họ sẽ chiếm hơn một nửa GDP toàn cầu và chiếm gần 50% dân số tầng lớp trung lưu toàn cầu”.

Thế nhưng, ANZ cũng nhấn mạnh rằng, điều này chỉ đạt được trong điều kiện hết sức thuận lợi. Do đó, ngoài kịch bản lạc quan, ANZ cũng đưa ra một kịch bản kém lạc quan hơn, trong đó các nền kinh tế châu Á có thể vướng vào bẫy thu nhập trung bình.

Ở kịch bản này, ANZ đưa ra khả năng một số nền kinh tế tăng trưởng cao không thực hiện được việc vượt lên mức thu nhập trung bình do mất lực cải cách kinh tế và sức cạnh tranh. Trong trường hợp này, các nền kinh tế châu Á sẽ vẫn phát triển, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với kịch bản lạc quan .

Bởi trên thực tế, trong số 101 quốc gia được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình vào năm 1960 , chỉ có 13 nước có thể chuyển đổi được sang nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2008, và 10 nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình .

Với kịch bản này tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo chỉ ở mức 6,2% trong 2011-2020, 3,8% ở giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 2031-2040 tăng trưởng 3% , và giai đoạn 2041-2050 tăng trưởng 3,1%.

“Đến một mức độ nào đó, do sự chênh lệch giữa các quốc gia trong khu vực, cả về văn hóa và kinh tế, thời kỳ biến động và thậm chí cả cuộc khủng hoảng có thể xảy ra. Khi đó Trung Quốc có thể có đủ tiền để đối phó với cuộc khủng hoảng tạm thời như vậy, nhưng các nền kinh tế nhỏ hơn như Việt Nam hoặc thậm chí Thái Lan sẽ bị đặt vào tình thế nguy hiểm nhiều hơn.” – ANZ cảnh báo.

Lương Bằng