Ông Vũ Tiến Lộc: Để 20.000 viên thuốc hết hạn vì thủ tục là ‘đỉnh cao’ của vô cảm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Không ai muốn có những việc như thế này trước buổi gặp mặt của Thủ tướng với các doanh nghiệp. Nhưng nếu đã xảy ra thì cần nhìn thẳng vào thực tế hành vi nói trên là sự điển hình về việc giải quyết thủ tục hành chính vô cảm, thiếu trách nhiệm”, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trả lời trong buổi họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 khi được hỏi về “điểm nhấn” của sự kiện trong năm nay.

Theo đó, 19.997 viên thuốc Tasigna 200 mg trị ung thư máu được nước ngoài viện trợ cho Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đã phải hủy bỏ vì hết hạn sử dụng vào năm 2015. Bệnh viện lý giải việc chưa thể sử dụng số thuốc này trước đó là bởi vướng mắc trong thủ tục cấp phép lưu hành suốt nhiều năm.

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm nay sẽ diễn ra vào ngày 17/5 tới đây tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội),quy tụ của 2.000 đại biểu, gấp 4 lần so với năm ngoái.Trong đó, 1.500 sẽ đại diện cho khu vực doanh nghiệp tư nhân,cùng các đại biểu từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp Nhà nước, các định chế tài chính lớn và đại diện các cơ quan Nhà nước.    

“Vụ 20.000 viên thuốc trị ung thư hết hạn sử dụng liên quan tới trách nhiệm của một số cơ quan nhà nước là một điển hình cho rất nhiều vụ việc như vậy trong thực tế. Khi mà nhiều doanh nghiệp như ngồi trên đống lửa thì nhiều cán bộ, công chức vẫn rất vô cảm trong giải quyết thủ tục hành chính”, ông Lộc chia sẻ và nhấn mạnh rằng, sự việc lô thuốc ung thư hết hạn có thể coi là “đỉnh cao của sự vô cảm” trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Cùng quan điểm Chủ tịch VCCI, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cũng cho rằng: “Các cơ quan chức năng không mong muốn có những điểm nóng cho doanh nghiệp, như những sự kiện như cà phê Xin Chào trước hội nghị năm ngoái. Nhưng cũng phải nhìn thẳng vào sự thật rằng những vướng mắc trong cải thiện môi trường kinh doanh vẫn còn, mà sự kiện lô thuốc chữa ung thư hết hạn mới đây là một ví dụ”.

Một vấn đề khác cũng được Chủ tịch VCCI nêu ra khi nhắc đến những tồn tại trước hội nghị là vấn đề xã hội hóa các dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp.

“Hiện các địa phương đang sốt sắng thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhưng cần tránh nhà nước can thiệp trực tiếp bằng các biện pháp hành chính vào thị trường nếu không sẽ gây ra những hệ lụy”, ông Lộc nhấn mạnh.

Theo đó, không chỉ đẩy mạnh việc thoái vốn, nhà nước cần “thoái sức” ra khỏi các dịch vụ công hỗ trợ doanh nghiệp. Người đứng đầu VCCI cho rằng, thay vì ôm đồm tất cả, cần tập trung vào kiến tạo thể chế, tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp, những công việc cụ thể nên thực hiện xã hội hóa để thị trường phát triển bền vững.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hội nghị năm nay sẽ có chủ đề là “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, với chủ đề xuyên suốt là xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ, hỗ trợ để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Do đây đã là lần thứ 2 thực hiện, hội nghị sẽ có thêm phần báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cùng với đó là báo cáo tổng hợp đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về việc thực hiện Nghị quyết này của VCCI.

Đồng thời, cũng giống như năm trước, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ là những người nói lên tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị đúc rút từ quá trình hoạt động.

Những người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ sẽ trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị. Thủ tướng sẽ kết luận và sau hội nghị, sẽ có chỉ thị về đồng hành cùng doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, một năm sau Hội nghị lần thứ nhất, 75% doanh nghiệp theo khảo sát của VCCI đã đánh giá các cơ quan chính quyền có chuyển biến tích cực. Tuy vậy, vẫn còn gần 30% đánh giá chuyển biến còn chưa đạt yêu cầu.

“Năm qua đã có những đột phá về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chuyển tư duy, quan điểm, cách thức trở thành hành động cụ thể trong thực tiễn vẫn cần độ trễ nhất định, đơn cử như những vấn đề liên quan tới pháp luật”, ông Lộc cho biết.

Môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2016 đã có khởi sắc hơn và niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng kinh doanh tốt hơn 2015. Có 48% doanh nghiệp khu vực tư nhân và khu vực FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới.

Theo đánh giá của ông Hồ Sĩ Hùng, Cục trưởng Phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do mới là năm đầu tiên thực hiện và vẫn cần độ trễ để có được một sự thay đổi toàn diện. Một số chính sách thay đổi từ hội nghị năm ngoái đã được triển khai, nhưng vẫn còn những chính sách mới trong giai đoạn trình và tham vấn ý kiến doanh nghiệp.

Theo Vnexpress