Nghề nuôi, chế biến cá tra ở ĐBSCL: Đến hồi tồi tệ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Cú đúp” thua lỗ

Các DN chế biến, xuất khẩu thuỷ sản cũng lao đao khi tiếp tục giẫm đạp lên nhau trong cuộc cạnh tranh không lành mạnh.

Vừa bán hơn 200 tấn cá, nhưng một vị nông dân ở Hồng Ngự – Đồng Tháp (vì lý do tế nhị đề nghị giấu tên) tỏ ra rầu rĩ: Hiện nay giá thành cá nguyên liệu vào khoảng 23 – 24 ngàn đồng/kg, nhưng giá bán ra chỉ đứng ở mức 20 ngàn đồng, tức giảm gần 50% so hồi đầu năm. Như vậy bình quân mỗi ký lỗ đứt 3.000 đồng”. Người nuôi còn phải chịu đựng khoản lãi ngân hàng không nhỏ từ việc bị DN “ngâm vốn” từ 2 – 3 tháng…

Tại An Giang, ông Võ Kế Nghiệp – người có tên tuổi trong làng nuôi cá tra ở huyện Châu Phú – cho biết: “Thông thường, DN chỉ thanh toán khoảng 50%, số còn lại được trả lần, trả hồi; sớm thì 2 tháng, nhưng có khi mất đến 3 tháng mới thanh toán dứt điểm”. Ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang – đúc kết: “Tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng nếu tính luôn khoản bị DN “chiếm dụng” vốn, mỗi ký cá nguyên liệu, người nuôi lỗ đến 5 ngàn đồng”. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn là đằng sau đó là cả câu chuyện đầy nước mắt. Bởi tuy bán dưới giá thành, nhưng để bán được, người nuôi phải vượt qua nhiều chướng ngại vật từ phía DN. Theo phản ánh từ hiệp hội thủy sản các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, trong bối cảnh cá rớt giá như hiện nay, người nuôi còn bị nhiều sức ép: Ngoài việc “lót tay” cho bộ phận lấy mẫu trong 2 lần kiểm tra mẫu cá, người nuôi còn phải bị DN “hành” khi viện dẫn lý do cá bị nhiễm để kéo dài thời gian bắt cá. Thậm chí sau đó, họ còn viện lý do màu cá không đạt để kéo dài thời gian mua để “triệt buộc” người nuôi phải tự hạ giá bán để tránh thua lỗ vì cá quá lứa…

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có 90% số người nuôi đang trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn là người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang đối mặt với thua lỗ “đúp”. Bởi trong lúc giá bán cá đang đứng dưới giá sàn, giờ đây giá thức ăn – vốn chiếm 80% giá thành sản xuất – lại đang leo thang.  

Doanh nghiệp đứng trên tất cả

Theo nhận định của các hiệp hội thủy sản khu vực ĐBSCL, sự kiện cá tra rớt giá hiện nay là nghịch lý. Bởi thực tế cho thấy, đáng lý ra đây chính là thời cơ để nâng cao giá trị cho mặt hàng cá tra do hiện lượng cá nguyên liệu đang ở mức rất thấp khi có trên 40% số người nuôi đang “treo” ao, hoặc nuôi cầm chừng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tréo ngoe này, như: DN khát vốn, EU – thị trường XK thủy sản lớn nhất của VN đang giảm nhập khẩu do kinh tế khu vực này bất ổn… Tuy nhiên theo các chuyên gia, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là DN với những hành động cạnh tranh không lành mạnh. Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ đầu năm đến nay, lượng thủy sản xuất khẩu bị trả về do vi phạm an toàn thực phẩm lên đến gần 3 triệu USD, nhưng quan trọng hơn là điều này như hành động tự khép lại cánh cửa XK vốn đã và đang hẹp của mặt hàng này. Một vị lãnh đạo Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp khẳng định: “Lỗi này do chính DN gây ra thông qua việc cố tình mạ băng, bơm tăng trọng vượt quy định cho phép nhiều lần”. Bởi thực tế cho thấy, trước khi chính thức thu mua cá, chí ít DN thực hiện 2 lần kiểm tra tổng thể cả về dư lượng, màu sắc…

Ngoài ra, theo ông Bửu Huy – một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến, XK cá tra VN – hầu hết các DN đều có bệnh chung là cạnh tranh không lành mạnh về giá: Cứ sau mỗi kỳ hội chợ quốc tế là giá cá tra VN đồng loạt rớt giá do các DN tự “đao” giá với khách hàng để giành mối bán. Thậm chí, có nhiều DN chấp nhận bán lỗ để lấy tiền quay đồng vốn. Và để bù đắp vào khoảng trống do cạnh tranh bất chấp hậu quả này, các DN quay lại “đè giá” và kéo dài thời gian giam vốn của nông dân. Câu chuyện đau lòng này ai cũng biết, cũng hiểu và cũng bức xúc, nhưng vì sao không khắc phục được? Theo PGS-TS Nguyễn Tri Khiêm (khoa KT-QTKD – ĐH An Giang) – ngoài yếu tố các DN chưa có bề dày về đạo đức kinh doanh, còn có yếu tố quan trọng là do sân chơi đang thiếu trọng tài đúng nghĩa. Theo TS Khiêm, hiện có rất nhiều tổ chức tham gia quản lý, điều hành hoạt động chăn nuôi, sản xuất chế biến, xuất khẩu cá tra, nhưng gần như mỗi ngành quản lý một phách và khi cần thiết thì gần như không tổ chức nào đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nuôi và răn đe được các DN “vượt lề”. Chính điều này đã “bắc cầu” cho các DN thả tay đẩy mặt hàng cá tra đặc sản ngày càng lún sâu vào con đường phá sản.

Lục Tùng
Nguồn: Báo Điện tử Lao động