Nghị định 60: “Nới room” để tạo thông thoáng, không lo thâu tóm
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại buổi tọa đàm trực tuyến “Nới room: Đón nhận cơ hội và thách thức từ dòng vốn nước ngoài” do Cổng TTĐT Chính phủ vừa tổ chức.

Nghị định 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ sẽ có hiệu lực từ 1/9 tới, cho phép nới tỉ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của điều lệ công ty, tức là sự tham gia của nhà đầu tư mới sẽ được quyết định bởi các cổ đông, muốn bán một phần hay tất cả. Tuy nhiên, Nghị định cũng đã quy định nếu tổ chức muốn sở hữu trên 25% vốn thì phải chào mua công khai, song hành với một hệ thống pháp luật về cạnh tranh.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng với tiềm lực của mình, doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế hơn khi mua cổ phần doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, cần nhìn nhận dưới góc độ đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, tìm hướng đi mới sau hoạt động mua bán sáp nhập (M&A.)

Dưới góc độ một tổ chức đầu tư, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital cho rằng cần bỏ quan điểm lo lắng hơi thái quá trước các nhà đầu tư ngoại, coi hoạt động mua bán chỉ là hoạt động đầu tư bình thường. Thực tế, mỗi nhà đầu tư ngoại đều có chiến lược khác nhau, cũng tự cạnh tranh khốc liệt với nhau, do đó sẽ khó có chuyện họ liên kết với nhau  để thâu tóm các công ty Việt Nam.

Ông Tuấn dẫn chứng qua kinh nghiệm 15 năm mở cửa thị trường chứng khoán (TTCK) Thái Lan và Indonesia, chưa có trường hợp nào nhà đầu tư ngoại tạo ra ảnh hưởng xấu đến các công ty nội địa hay TTCK trong việc mua lại công ty. Tuy nhiên ông Tuấn cũng lưu ý, rào cản lớn mà nhà đầu tư hiện nay phàn nàn là các báo cáo tài chính, tài liệu doanh nghiệp… chủ yếu là tiếng Việt và rất ít có niêm yết bằng tiếng Anh. Như vậy, muốn đầu tư thì nhà đầu tư ngoại phải tự tìm hiểu.

Với băn khoăn về các văn bản hướng dẫn, ông Nguyễn Thành Long khẳng định dù tháng 9 mới áp dụng Nghị định 60 nhưng các thông tư hướng dẫn về Nghị định đã hoàn tất. Dự kiến trong tuần tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tổ chức hội thảo để cung cấp cho thành viên thị trường biết về những nội dung trong dự thảo. Các tổ chức phát hành có thể tra cứu được ngành nghề kinh doanh của mình trên Cổng thông tin điện tử quốc gia, từ đó biết được ngành nào là kinh doanh có điều kiện, ngành nào không có điều kiện.

Khi Nghị định 60 có hiệu lực, TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều vốn, tăng thanh khoản cho thị trường, tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

TS. Võ Trí Thành cho rằng Nghị định này được coi là một trong những thông điệp cải cách, hội nhập, tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho nhà đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Thành Long, việc “nới room” liên quan tới các doanh nghiệp lớn sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa. Khi mở cửa thị trường, một điểm quan trọng là vị trí trong bảng xếp hạng của TTCK Việt Nam. Để có thể chuyển từ TTCK “cận biên” lên “mới nổi” thì vấn đề về sở hữu là quan trọng. Nếu tháo được “nút thắt” này TTCK Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng. Với mức độ TTCK “mới nổi”, số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn; tỉ trọng phân bổ vốn sẽ được nâng lên, kích hoạt được dòng vốn nước ngoài. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận được nhiều dòng vốn hơn.

Anh Minh
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ