Nghị định Quản lý thị trường vàng: Có đạt “mục tiêu kép”?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Một Nghị định dù chưa biết hình hài, nội dung như thế nào nhưng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và công chúng. Tuy nhiên, “nghị định quản lý vàng” như nhiều người hiểu chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng.

Có vẻ như ngay từ tiêu đề “Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới.” chưa thực trúng với mục tiêu của cơ quan quản lý cũng như sự trông chờ của người dân, DN vào một động thái để đạt được mục tiêu kép là vừa quản lý được thị trường vàng, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, vừa huy động được nguồn vốn khổng lồ đang “nằm chết” trong dân phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.

Tại sao vàng “chết” ?

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo ước đoán của các chuyên gia cũng như các tổ chức thì lượng vàng “đọng” trong dân hiện khoảng 500 – 700 tấn, tương đương khoảng trên 20 tỷ USD. Đây được coi là một nguồn vốn khổng lồ đang nằm “chết”.

Tại sao lại có một nguồn lực lớn như vậy nằm “chết” mà không thể huy động lưu thông ra thị trường ?

Trước hết phải khẳng định đây là “thành quả” của rất nhiều năm với thói quen tích trữ vàng vật chất đã trở thành truyền thống của người VN. Vàng đã gắn bó với đời sống của người dân VN không chỉ ở góc độ trang sức mà nó còn trở thành tài sản, phương tiện trong các giao dịch mua bán, đặc biệt là giao dịch mua bán nhà đất. Còn hiện nay, vàng là kênh đầu tư an toàn và hiệu quả so với các kênh đầu tư khác bởi tính ổn định và thanh khoản cao.

Thứ hai, do chúng ta chưa có hành lang pháp lý để hợp thức hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản, nên phần lớn khối lượng vàng giao dịch đều là vàng vật chất.

Thứ ba là do hành lang pháp lý của chúng ta chưa tạo điều kiện thuận lợi để người dân có điều kiện đưa “vàng chết” ra lưu thông. Nếu như có một kênh đầu tư vàng mà nhà đầu tư vừa có thể bảo toàn được nguồn vốn (bằng vàng) vừa có thêm lợi nhuận, dù rất ít thì chắc chắn sẽ rất nhiều người tham gia.

Ông Nguyễn Thanh Trúc – TGĐ Cty kinh doanh vàng bạc, đá quý Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn VN lấy dẫn chứng: Khi Cty ông nhận ủy thác huy động vàng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn VN, dù lãi suất chỉ ở mức 0,5%/năm nhưng trong một ngày Cty đã huy động được 4.000 lượng vàng. Nếu như có một chế tài hợp lý cho hoạt động này thì sẽ huy động được một nguồn lực rất lớn cho xã hội.

Cũng theo ông Trúc nếu như lượng vàng huy động được qua hình thức gửi tiết kiệm vàng dùng để cầm cố vay ngoại tệ tại các ngân hàng có uy tín trên thế giới thì có thể huy động được một nguồn ngoại tệ rất lớn, đặc biệt là USD.

Mức lãi suất vay ngoại tệ cùng lắm cũng chỉ ở mức khoảng 3%/năm, thấp hơn rất nhiều mức huy động 6%/năm đối với USD mà một số ngân hàng đang áp dụng.

Cấp thiết đến mức nào ?

Rất nhiều nguyên nhân lý giải cho sự cấp thiết phải ra đời nghị định này nhưng có lẽ mục tiêu cao nhất mà Chính phủ hướng tới là hạn chế việc đầu cơ làm đọng nguồn vốn xã hội.

Nhưng trên thực tế nếu làm một cuộc điều tra và thống kê đầy đủ thì rất có thể bất động sản mới là lĩnh vực làm “chết” nguồn vốn xã hội nhiều hơn gấp bội. Và “vốn chết” của bất động sản còn tác động tiêu cực đến đời sống xã hội hơn rất nhiều so với “vốn chết” của vàng. Bởi vàng luôn có tính thanh khoản cao và bị giá vàng quốc tế chi phối khi mà thị trường VN đã có sự liên thông.

Chỉ cần vào google.com gõ “biệt thự bỏ hoang” và nhấn enter, ngay lập tức cho trên 6,5 triệu lượt kết quả chỉ trong vòng 0,08 giây. Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có liều thuốc đặc trị cho thị trường này.

Mặc dù chưa biết hình hài của dự thảo Nghị định thế nào nhưng trong những ngày qua, phần lớn ý kiến từ phía người dân và các chuyên gia đều cho rằng nếu “cấm” theo kiểu mệnh lệnh hành chính là rất khó khả thi.

Việc quản lý thị trường vàng một cách “chuyên nghiệp” là cần thiết và được mong chờ nhưng làm sao nghị định thực hiện được mục tiêu kép là vừa quản vừa mở ra cánh cửa để dòng vàng có thể lưu thông tốt hơn, hiệu quả hơn, tạo một kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Đây mới thực sự là điều mà các nhà đầu tư, các DN kinh doanh vàng và người dân mong đợi.

Và để có tính thực thi cao thì nghị định này rất cần được lấy ý kiến rộng rãi trong dân, các chuyên gia, tổ chức. Quý II/2011 đã cận kề, đây thực sự là một bài toán khó đòi hỏi những nhà hoạch định chính sách phải phát huy năng lực, trí tuệ để có được những đáp án mang đậm chất “kinh tế”.

Theo DDDN