Nghịch lý khôi hài “xếp hàng” chờ Tòa tuyên phá sản
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhiều quy định “đánh đố”!

Luật Phá sản được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2004 và thay thế Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993. Sau 7 năm thực hiện, Luật Phá sản đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập khiến doanh nghiệp, người dân và cả cơ quan nhà nước “mếu dở, khóc dở”…

Đơn cử, Điều 13 về quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ quy định, khi nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản thì các chủ nợ không có bảo đảm hoặc có một phần đều có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó. Người nộp đơn phải nộp chứng cứ chứng minh. Dựa trên căn cứ tài liệu, giấy tờ đó Tòa sẽ xem xét mở hay không mở thủ tục phá sản. Theo Điều 22, sau khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu thấy cần sửa đổi đơn, bổ sung tài liệu thì Tòa án yêu cầu người nộp đơn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.

Theo thẩm phán Phạm Tuấn Anh – Chánh tòa kinh tế TAND TP.Hà Nội quy định trên là bất khả thi. Bởi lẽ, người yêu cầu mở thủ tục phá sản thường rất khó tự thu thập chứng cứ. Thậm chí, ngay cả khi Tòa án yêu cầu người rơi vào tình trạng phá sản nộp chứng cứ thì họ cũng còn bất hợp tác, huống hố đặt ra cho chủ nợ thời hạn cung cấp tài liệu vỏn vẹn 10 ngày.

Công tác thu hồi, xử lý tài sản nợ đối với doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản trên thực tế cũng nảy sinh nhiều bất cập. Vì khi doanh nghiệp gắn liền với nhiều mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp đồng mua bán, trao đổi hàng hóa qua lại với nhiều đối tác và trải rộng ở nhiều địa phương trong cả nước. Trong mối quan hệ thương mại, các doanh nghiệp, cá nhân có thể đồng thời là chủ nợ hoặc con nợ của nhau. Nếu là chủ nợ của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì họ “sẵn lòng” báo cáo cho Tổ quản lý, thanh lý tài sản liệt kê vào danh sách, chờ khi có phương án phân chia tài sản mong có thể để được nhận lại toàn bộ hoặc một phần; ngược lại, nếu con nợ thì lại thường tìm mọi cách để né tránh, cho nên công tác thu hồi nợ vô cùng khó khăn, nhiều khi không khác gì “mò kim đáy biển”.

Nghịch lý khôi hài

Hay như Điều 35 về xử lý các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp hoặc cầm cố. Đã xảy ra nhiều trường hợp: Doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước, cầm cố vay vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng để sản xuất kinh doanh, đến khi lâm vào tình trạng phá sản, Tòa án đang giải quyết thì cấp có thẩm quyền lại ra quyết định thu hồi đất. Đơn cử, Công ty Vật tư nông nghiệp tỉnh Quảng Nam là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động kinh doanh những mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ nông nghiệp cho các địa phương trong tỉnh, nhưng việc kinh doanh của doanh nghiệp bị thua lỗ kéo dài và mất khả năng thanh toán nợ đến hạn cho các chủ nợ với số tiền trên 25 tỷ đồng và trên 258 ngàn USD. Cuối năm 2005, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của các chủ nợ và Tổ quản lý, thanh lý tài sản kiểm kê, định giá tài sản với tổng số tiền vỏn vẹn trên 2,8 tỷ đồng. Không những thế, đến đầu năm 2008, UBND tỉnh Quảng Nam lại ban hành quyết định thu hồi nốt 648m2 đất của công ty. Rốt cuộc, các chủ nợ gần như trắng tay.

Pháp luật phá sản hiện hành chưa đi vào cuộc sống, cho nên mới dẫn đến một nghịch lý khôi hài: Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, trong 9 năm nay, có gần 49.000 DN đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế; dự báo cả năm 2011, số DN lâm vào tình trạng như trên còn có thể chiếm tới 10% trong tổng số 600.000 DN cả nước hiện nay. Trong khi đó, theo Chánh tòa kinh tế TAND TP.Hà Nội, 9 tháng đầu năm mới nhận được 23 vụ việc yêu cầu tuyên bố phá sản và đến nay cũng chưa tuyên bố phá sản vụ nào.

Mai Hoa
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam