Nghịch lý thiếu – thừa! 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Theo Giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia Nguyễn Đức Ninh, hiện nước ta đã và đang tiếp tục giảm công suất năng lượng điện tái tạo do thừa nguồn. Thời gian tới phải tiếp tục cắt giảm thêm, cụ thể khoảng 1,3 tỷ kWh, trong đó hơn 500 triệu kWh sẽ cắt giảm do thừa nguồn điện mặt trời vào các điểm trưa và quá tải đường dây 500kV từ miền Trung ra miền Bắc…

Ông Ninh dẫn chứng: Năm 2020, ngành điện chứng kiến mức tăng trưởng đột biến của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái. Sản lượng điện mặt trời áp mái từ mức 6.000MWp vào tháng 6.2020 đã lên đến 10.000MWp vào cuối năm. Trong năm 2020, cơ quan điều tiết phải giảm 365 triệu kWh điện mặt trời không khai thác được. Số điện này do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu là khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung. Đến nửa cuối tháng 11.2020, do trang trại điện mặt trời và điện mặt trời áp mái tăng trưởng “nóng” nên ngành điện phải thực hiện khoảng 20 lần cắt giảm số giờ do thừa nguồn, tổng sản lượng cắt giảm là 35 triệu kWh. Bên cạnh đó, trong các giờ thấp điểm trưa không thể giảm các nguồn điện khác mà bắt buộc phải cắt nguồn năng lượng tái tạo. Nếu không tính theo công suất đặt năng lượng tái tạo ứng với giờ thấp điểm trưa, tỷ trọng điện mặt trời lên tới 50 – 60% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia, nhất là các ngày cuối tuần – ông Ninh nhấn mạnh.

Thực tế, ngành điện đã phải thực hiện cắt giảm công suất năng lượng điện tái tạo ở một số địa phương vì hệ thống truyền tải không “kham” nổi. Vậy nên “có vẻ” như phát triển năng lượng tái tạo đang phải đối diện với nghịch lý: Dù đây là xu thế chung của thế giới; các điều kiện tự nhiên của nước ta được đánh giá là giàu tiềm năng cho phát triển nguồn năng lượng điện gió, điện mặt trời nhưng lại “phát triển có giới hạn” vì cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng và quá tải đường dây dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm công suất… Vậy căn nguyên của việc này do đâu?

Theo số liệu cập nhật đến ngày 25.12.2020 chỉ riêng với các công trình điện mặt trời mái nhà đã có tới 83.000 công trình được đấu nối vào hệ thống, tổng sản lượng phát điện lên lưới lũy kế đến nay đã đạt hơn 1,13 tỷ kWh. Và nếu như năm 2018 chỉ có 3 nhà máy đóng điện thành công thì 3 tháng đầu năm 2019 đã thêm 5 nhà máy nhưng chỉ từ tháng 4 đến tháng 6.2019, con số này đã vọt lên 81 nhà máy. Riêng 6 tháng đầu năm 2019 có tới gần 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới với tổng công suất lắp đặt 4.543,8MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia – vượt rất xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh là chỉ có 850MW điện mặt trời vào năm 2020…

Như vậy có thể thấy, nguyên nhân chính là bởi sự phát triển quá nhanh, quá “nóng” của các dự án điện năng lượng tái tạo mà một trong những lý do chính đã được các chuyên gia chỉ ra là “chạy đua” với mốc thời gian 30.6.2019 để hưởng cơ chế giá ưu đãi 9,35 cents/kWh với điện mặt trời. Việc này có thể ví von rằng khi “phương tiện” phát triển nhanh chóng trong khi “đường sá” lại không được đầu tư tương xứng nên “ách tắc” là đương nhiên.

Phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu, là một trong những lời giải khả thi cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia. Vậy nhưng đến nay việc phát triển dạng năng lượng này đang vướng phải nghịch lý. Và để giải quyết nghịch lý này, nhiều ý kiến cho rằng trước hết cần nghiên cứu để giảm giá mua điện để hài hòa lợi ích các bên. Tiếp đó là đầu tư cơ sở hạ tầng, không thể để xảy ra “ách tắc” và nghịch lý như hiện nay.