Nghịch lý trong hai khu vực doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu khu vực DNNN phải nhỏ đi, từng DNNN phải mạnh, hiệu quả phải cao hơn. Những gì tư nhân làm tốt, thị trường làm tốt thì Nhà nước sẽ rút dần ra, còn những lĩnh vực cần có vai trò của Nhà nước thì phải tính toán quản lý cho minh bạch, hiệu quả hơn.

Với nỗ lực của Chính phủ, hiện đã có tới 96% DNNN đã và đang thực hiện quá trình cổ phần hóa. Con số tưởng chừng rất lớn, tuy nhiên thực tế trong đó Nhà nước mới chỉ thoái vốn được 8% đồng nghĩa với việc 92% vốn vẫn thuộc về nhà nước.

Tại Hội nghị toàn quốc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: “Nguyên nhân vì sao có những sự chậm trễ như vậy? Có nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân khách quan mà chúng ta đang nói là vướng mắc về thể chế, về cách làm. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một số nguyên nhân chủ quan. Thứ nhất, cái vướng mắc lớn nhất là lợi ích và động lực. Lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa, chưa tạo được động lực thực sự để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn…”

Việc cổ phần hóa, sắp xếp cơ cấu lại DNNN đồng nghĩa với việc DN hoạt động một cách minh bạch hơn, hiệu quả kinh doanh của DN gắn chặt với trách nhiệm cá nhân của người điều hành. Sau khi được cơ cấu đổi mới, ảnh hưởng của DN trong nhiều lĩnh vực cũng giảm đi cùng với đó là những đặc quyền đặc lợi cũng mất. Tất nhiên các lãnh đạo DNNN không muốn điều này. Chính vì vậy thực tế đang có những cá nhân cố tình làm chậm lại quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước ở các DN thuộc thành phần này.

Ở chiều ngược lại, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước sẽ có 1 triệu DN. Các địa phương cũng đặt ra cho mình những mục tiêu thành lập một số lượng doanh nghiệp cụ thể. Đầu tàu kinh tế là TPHCM phấn đấu đến cùng thời điểm này có 500.000 DN; các tỉnh khác như An Giang phấn đấu có 10.000 DN; Tiền Giang phấn đấu có 5.000 DN…

Trong đó, một trong những giải pháp rất quan trọng là đưa các hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp. Tuy nhiên có một thực tế là nhiều doanh nhân lâu nay đang hoạt động dưới loại hình hộ kinh doanh có doanh thu cao, có quy mô lớn vẫn ngại “đổi đời” thành DN.

Theo dữ liệu thống kê của Cục Thuế TPHCM, Thành phố có hơn 36.000 hộ kinh doanh cá thể có thể phát triển thành DN. Riêng năm 2017 có khoảng 21.000 hộ kinh doanh được Cục Thuế đánh giá là đối tượng tiềm năng mà cơ quan quản lý có thể vận động, hỗ trợ phát triển lên DN. Đây là những hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu/tháng ở những quận trung tâm và một số hộ kinh doanh thuộc các quận vùng ven với doanh thu khoảng 50 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên các hộ này không mặn mà với việc đăng ký thành lập DN. Nguyên nhân đã được chỉ ra đó là họ ngại các quy định về thuế và đồng thời ngại những thủ tục chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN còn nhiều nhiêu khê làm khó dễ người dân. Chưa kể sau khi thành DN, người dân vẫn ngại những chuyến thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên xét về lâu dài, các hộ kinh doanh có quy mô, doanh thu lớn không thể cứ mãi “náu mình” trong cái “vỏ  ốc” hộ kinh doanh. Chỉ khi đăng ký thành lập DN, việc quản trị, kinh doanh trở nên khoa học đồng thời việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước cũng trở nên minh bạch rõ ràng hơn. Lúc đó cả nhà nước và doanh nhân đều được hưởng lợi.

Một cách công bằng, muốn khuyến khích quá trình chuyển đổi thành DN của các hộ kinh doanh, cơ quan chức năng cần thực sự tạo điều kiện thuận lợi, xóa bỏ triệt để tình trạng sách nhiễu làm khó DN, tạo niềm tin để người dân yên tâm chuyển đổi.

Để xây dựng một nền kinh tế năng động hội nhập, cả hai xu hướng nói trên đều cần phải loại bỏ, khi đó DN mới thực sự hoạt động một cách khoa học minh bạch và cạnh tranh lành mạnh.

Quang Lê

Nguồn: http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Nghich-ly-trong-hai-khu-vuc-doanh-nghiep/304119.vgp