Ngân hàng không tăng đủ vốn: Sẽ im lặng là xong?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

 

Hấp thụ dễ, gọi vốn khó?

Đến thời điểm này, gần như tất cả các ngân hàng chưa đủ 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ đều có phương án tăng vốn và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Song, để hiện thực hóa từ kế hoạch ra thị trường và thu được tiền về là điều không dễ. Nhiều ngân hàng có nguy cơ không cán đích đúng hẹn.

Con số cập nhật gần đây nhất cho biết, đến đầu tháng 12, vẫn có khoảng 23 ngân hàng chưa tăng đủ vốn. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Ủy ban Chứng khoán cho biết, dù hầu hết các ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và được Ủy ban Chứng khoán cấp phép chào bán cổ phần, nhưng khó có thể hoàn thành đúng hạn, đặc biệt là những ngân hàng mới được chấp thuận phương án tăng vốn và chào bán chứng khoán cuối tháng 11. Theo thống kê sơ bộ, khoảng 19 ngân hàng rơi vào tình trạng này.

Trong số các ngân hàng cần tăng vốn để đạt 3.000 tỷ, rất ít ngân hàng đã hoàn thành việc này như Đại Tín, Phương Nam… Tuy nhiên, đa số các ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Thậm chí, có ngân hàng chỉ mong đạt mốc 2.000 tỷ, trong khi mức yêu cầu tói thiểu là 3.000 tỷ.

Kết thúc đợt chào bán trong tháng 11, ngân hàng Nam Việt đã chào bán thành công 82 triệu cổ phần, tăng vốn lên 1.820 tỷ đồng; ngân hàng Gia Định tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng vào ngày 11/11/2010; ngân hàng Kiên Long cũng tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng…

Thậm chí, mới đây, một loạt ngân hàng mới được cấp giấy chào bán cổ phiếu như: Tiên Phong (Tienphongbank) công bố phát hành 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ 2.000 lên 3.000 tỷ đồng, với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu theo tỷ lệ 2:1 (mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu cũ sẽ được mua 1 cổ phiếu mới); ngân hàng Miền Tây (Western Bank) phát hành 100 cổ phiếu tương đương 1.000 tỷ đồng ra công chúng cũng để tăng vốn từ 2.000 tỷ lên 3.000 tỷ đồng…

Một số ngân hàng khác như Bắc Á, Đệ Nhất, Việt Nam Thương Tín (Vietbank) đã được NHNN chấp thuận tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, nhưng việc chào bán hiện nay chưa có kế hoạch cụ thể. Theo các chuyên gia, với thực tế này, các ngân hàng sẽ khó có thể hoàn thành đúng hạn tăng vốn vào 31/12, nhất là trong hoàn cảnh thị trường chứng khoán đang trầm lắng và cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn.

Trong khi nhu cầu tăng vốn đang lớn thì không ít ngân hàng lại đối mặt với tình trạng các cổ đông xin thoái lui hoặc không mặn mà với cổ phiếu mới, như một số cổ đông hiện hữu của BaoVietBank đến hết hạn nộp tiền vẫn không thực hiện quyền mua cổ phiếu tăng vốn của mình.

Cổ đông lớn của Navibank là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã quyết định thoái vốn khỏi ngân hàng này. Trước đó, Vinatex với tỷ lệ cổ phần nắm giữ 11% đã quyết định thoái vốn khỏi GiaDinhBank. Còn tại PGBank, một cổ đông lớn là Công ty CP Xây lắp III Petrolimex (Penjico) đã “từ chối” quyền mua cổ phần phát hành thêm và chuyển quyền mua cổ phần PGBank cho cổ đông của mình

Việc tăng vốn đã có lộ trình rõ ràng từ trước. Ngay trong năm 2010, đã nhiều lần Ngân hàng Nhà nước nhắc nhở nhưng đến những ngày cuối cùng trong năm, khi cách thời điểm 31/12 chỉ vài tuần thì kế hoạch tăng vốn đa số vẫn còn dang dở. Các ngân hàng đã tìm đủ mọi cách để tăng đủ vốn, song xem ra “lực bất tòng tâm”. Một số ngân hàng cứ có kế hoạch trình bày với cơ quan nhà nước đã, còn việc thực chất tăng có đủ và có kịp không thì không quan trọng, và sẽ “giải trình sau”.

Im lặng cho qua?

Tăng vốn theo lộ trình và đáp ứng mốc 3.000 tỷ vào cuối 2010 không phải là yêu cầu mới, mà được đặt ra từ cuối năm 2006. Các ngân hàng chắc chắn không còn xa lạ điều này. Hơn thế, ngay trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước ít nhất hai lần có công văn nhắc nhở công khai và liên tiếp hối thúc các chi nhánh giám sát, đồng thời, đôn đốc các ngân hàng và yêu cầu có báo cáo hàng tháng về việc này.

Thậm chí, cơ quan quản lý còn cảnh báo, nếu không tăng đủ vốn sẽ chấm dứt tư cách pháp nhân và đề xuất quan điểm xử lý đối với từng tổ chức.

Thái độ kiên quyết của Ngân hàng Nhà nước: ngân hàng nào không đủ vốn sẽ phải xử lý. Không có chuyện lùi hay hoãn yêu cầu tăng vốn. Cơ quan quản lý sẽ không nuông chiều những ngân hàng như thế.

Vậy thì, đến thời điểm này, trong khi gần như chắc chắn sẽ có những ngân hàng không tăng đủ vốn đúng thời hạn thì việc xử lý sẽ là một vấn đề không dễ.

Trao đổi về vấn đề này, một luật sư chuyên ngành tài chính ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước nói không tăng đủ vốn sẽ chấm dứt tư cách pháp nhân, nhưng cụ thể việc đó làm thế nào, theo phương án và quy định nào thì đều chưa rõ. Ngân hàng sẽ chủ động làm hay cơ quan quản lý đứng ra làm?

Thậm chí, theo nhắc nhở thì ngân hàng nào không tăng đủ vốn tổ chức tín dụng phải có phương án chấm dứt tư cách pháp nhân của mình theo luật định (bao gồm: sáp nhập, hợp nhất, mua lại, tự giải thể… ) để thẩm định. Đến nay, ai cũng có kế hoạch được phế duyệt nhưng nếu không tăng đủ thì sẽ xử lý thế nào? Đây là một tình huống mà dường như chưa có kịch bản nào cụ thể.

Trong khi đó, trước sức ép về tăng vốn, nhiều chuyên gia đã khẳng định sẽ có là mua bán sáp nhập diễn ra trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Song, ghi nhận từ thực tế thì đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các ngân hàng nghĩ đến chuyện này. Thậm chí, phó tổng giám đốc một ngân hàng vừa hoàn thành việc tăng vốn nói, dù có thể có trường hợp không tăng đủ vốn nhưng rất khó có sự sáp nhập của các ngân hàng trong năm 2010, kể cả một vài năm tiếp theo.

Điều có thể xảy ra là chuyển dịch sở hữu lớn đối với các ngân hàng khi tăng vốn, và thậm chí có những “kỹ xảo” để tăng đủ vốn theo yêu cầu để tồn tại. Đơn giản vì ngân hàng vẫn là lĩnh vực nhiều người thèm muốn, xin thêm chưa được thì sáp nhập, giải thể chắc khó xảy ra.

Cơ quan quản lý không lùi thời hạn, ngân hàng không tăng đủ vốn là tình huống đã từng xảy ra trước đây khi các ngân hàng phải từ mốc 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đã có ít nhất vài ba ngân hàng không thực hiện được việc này mà phải cả năm sau mới tăng đủ yêu cầu. Nhưng khi đó, dường như không có biện pháp nào được đưa ra. Tất cả đều im lặng và trôi qua.

Sau này, khi nhắc lại chuyện cũ, người ta đưa ra lý do dễ thông cảm là thời kỳ khủng hoảng kinh tế ngân hàng gặp khó khăn, nếu để xảy ra biến động cũng bất lợi cho thị trường. Và lần này, rất có thể sẽ có những lý do mới được đưa ra để giải thích cho việc không hoàn thành tăng vốn đúng kế hoạch.

Trong trường hợp đó, một giải pháp được một số chuyên gia cho để ra là, không nên cứng nhắc về việc tăng vốn để tăng quy mô các ngân hàng. Cần có cái nhìn khách quan về ngân hàng nhỏ. Vì mỗi loại hình, quy mô DN sẽ có một đối tượng và thị trường phù hợp, điều quan trọng là phải quản trị và có mô hình kinh doanh phù hợp.

Vì thế, có thể chấp nhận những ngân hàng nhỏ nhưng nên phân loại rõ và hạn chế về quy mô và lĩnh vực hoạt động, các loại dịch vụ được tham gia.

Bên cạnh đó, là các quy định về tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng và các tiêu chí kiểm soát khác về quản trị… và nhất là cần công khai đánh giá, xếp hạng các ngân hàng đó để chính người dân kiểm soát và lựa chọn. Đó chính là sức ép lớn nhất để các ngân hàng lớn lên.

Nguồn: www.vef.vn