Ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất huy động
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sát mức trần cho vay

Mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay ghi nhận được là 10,1%/năm, áp dụng tại HDBank đối với kỳ hạn 36 tháng. Sở dĩ các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất trong những ngày cuối của quý II-2009 là do tốc độ tăng trưởng tín dụng được cải thiện rõ nét. Tỷ lệ dư nợ cho vay tăng cao hơn tổng vốn huy động trong 2 tháng qua. Để cạnh tranh trong huy động vốn, các ngân hàng đã từng bước nâng lãi suất tiền gửi lên sát trần lãi suất cho vay 10,5%/năm.

Trước đó, NHTMCP An Bình (ABBank) cũng đã đưa ra chương trình huy động mới với lãi suất VND lên tới 9,99%/năm, với điều kiện khách hàng tham gia một trong hai sản phẩm “Tiết kiệm tỷ phú” với số tiền gửi tối thiểu là 999 triệu đồng, kỳ hạn 369 ngày, hoặc “Tiết kiệm phú quý” với số tiền gửi tối thiểu là 99 triệu đồng trong 900 ngày.

Tham gia cuộc đua tăng lãi suất này cũng có nhiều ngân hàng khác như SHB, VietBank, Techcombank… Có ngân hàng, vừa tăng lãi suất tuần trước, tuần sau đã điều chỉnh tăng để “hút” nguồn tiền gửi.

Theo lý giải của một số ngân hàng, việc tăng lãi suất tiền gửi trong 5 tháng đầu năm để hút tiền nhàn rỗi trong dân, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao của doanh nghiệp. Đồng thời, nhu cầu vốn tiêu dùng, trong đó có cầm cố chứng khoán và mua nhà, đất trả góp cũng tăng nhanh, nên buộc ngân hàng tăng lãi suất.

Tuy nhiên, trong đợt tăng vừa qua, các ngân hàng chủ yếu điều chỉnh ở kỳ hạn dài ngày, nên mặt bằng lãi suất tiền gửi tuy được thiết lập ở mức cao, nhưng vẫn ổn định.

Với mức lãi suất huy động VND như hiện nay, khoảng chênh lệch so với lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp chỉ còn 0,4%/năm (theo 150% lãi suất cơ bản). Với khoảng cách lãi suất này, nếu xét riêng kinh doanh tín dụng thì chắc chắn các ngân hàng không thể có lãi.

Giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết, để bù lại phần chênh lệch khi tăng lãi suất huy động mà không tăng lãi suất cho vay, các ngân hàng sẽ tìm ở các nguồn khác như cho vay tiêu dùng cũng là một kênh tốt tạo ra lợi nhuận.

Với diễn biến này, nhiều người tỏ ra lo ngại kịch bản tăng lãi suất sẽ lặp lại giống như giữa năm 2008. Mặc dù qua phân tích các chuyên gia cho rằng, không hề có dấu hiệu nào của khả năng thiếu thanh khoản nhưng nhiều người vẫn thận trọng khi cho rằng, hiện các NHTM đều nhận thấy khó có thể cân bằng giữa lãi suất cho vay và huy động.

Lãi suất cơ bản khó tăng

Theo ông Võ Trí Thành – Trưởng ban Nghiên cứu chính sách thương mại và hội nhập WTO, các ngân hàng cần hiểu rằng, chính sách tiền tệ hợp lý nhất trong thời điểm này là giữ vững ổn định từ nay cho đến những tháng cuối năm.

Khi lãi suất cơ bản tăng nền kinh tế sẽ bị xáo trộn, chỉ tiêu tăng trưởng của Chính phủ bị ảnh hưởng cũng như có tạo ra tâm lý bất ổn về chính sách vĩ mô với doanh nghiệp. NHNN cũng đã trình Chính phủ giữ nguyên lãi suất cơ bản nhằm tránh phá vỡ cơ cấu vốn, làm suy yếu cấu trúc tài chính. Và ưu tiên hiện nay của NHNN là cố gắng giữ lãi suất cơ bản ở mức 7%/năm.

Trước những diễn biến của lãi suất huy động trong thời gian qua, NH Standard Chartered dự báo: Với tình hình kinh tế Việt Nam chuyển biến theo hướng tích cực, từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng lãi suất cơ bản tiếp tục duy trì ở mức 7%, trước khi bắt đầu tăng lại vào giữa năm 2010. Vì với tình hình lạm phát từ giờ đến cuối năm, sẽ không có nhu cầu cấp bách nhằm tăng lãi suất cơ bản.

Theo một chuyên gia ngành ngân hàng, lạm phát ở Việt Nam có khả năng nhích lên từ giờ cho tới cuối năm, nhưng tỷ lệ lạm phát sẽ vẫn duy trì ở mức khiêm tốn, dao động trong khoảng 5 – 6%. Điều này có nghĩa là lãi suất cơ bản thực (lãi suất cơ bản trừ đi tỷ lệ lạm phát) sẽ vẫn duy trì tín hiệu tốt trong những tháng cuối năm.

Dự báo của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, hiện thị trường chứng khoán đang thu hút một lượng tiền lớn, các NHTM đẩy lãi suất lên cao là tự làm khó mình khi chênh lệch giữa đầu ra và đầu vào bị thu hẹp nhanh chóng, khó có thể cân đối kinh doanh có lãi. Trong khi đó, trên thực tế, khách hàng chủ yếu vẫn gửi tiền ở các kỳ hạn ngắn. Các NHTM vẫn gặp khó trong việc thu hút nguồn vốn dài hạn.         

Hùng Anh
Nguồn: Báo Điện tử An ninh thủ đô